Mới đây trên mạng xã hội, những video ghi lại hình ảnh những du khách Tây thích thú khi được thử những món ăn với nước mắm đã thu hút đông đảo sự chú ý. Trong đó, có những du khách còn là lần đầu ăn, và có du khách còn thích đến mức... gần như uống cạn chén nước mắm. Trong các video có thể thấy, 2 món ăn mà du khách thưởng thức chính là bún chả và bánh cuốn.
1. Bún chả
Bún chả là món ăn xuất hiện trong video của Will - một du khách đã có thời gian dài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Will đưa theo 3 người bạn Pháp của mình và chia sẻ, đây là lần đầu tiên bạn của anh ăn bún chả. Sau khi thưởng thức xong, tất cả đều nhận xét dù là lần đầu nhưng nó không hề khó ăn mà còn cực kỳ ngon.
Một video khác ghi lại chàng du khách tên Gonner trên trang Tiktok của một hướng dẫn viên người Việt chia sẻ, anh chàng không những ăn hết sạch suất bún chả mà còn mê mẩn bát nước chấm mắm tỏi đến mức, uống gần như cạn nước.
Ảnh chụp màn hình Tiktok @WillinVietnam
Video Tiktok @sonnuutu90
Bún chả là một món ăn nổi tiếng của miền Bắc nước ta, thường được ăn vào bữa trưa. Các nguyên liệu để làm nên một suất bún chả có thể kể tới là bún, chả thịt lợn nướng trên than hoa hoặc chả thịt băm, và quan trọng chính là bát nước mắm tỏi ớt đủ vị chua cay mặn ngọt, kèm theo các loại đu đủ, su hào thái lát, hay còn được gọi là dưa góp.
Bún chả cũng có nhiều phiên bản khác nhau, như bún chả băm, bún chả miếng, bún chả ở Ninh Bình cũng khác hoàn toàn với các loại bún chả khác. Thay vì miếng chả được cắt nhỏ, bún chả ở Ninh Bình khi đến với thực khách, sẽ là miếng chả lớn hình chữ nhật hoặc hình vuông. Khi ăn thì người ăn sẽ bắt đầu xắn nhỏ ra.
Yếu tố làm nên cái ngon của bún chả, bên cạnh vị cháy xém nhẹ bên ngoài miếng chả nhưng bên trong vẫn mềm, thơm, chính là bát nước mắm chấm. Nhiều thực khách còn ví von, bát nước mắm tỏi ớt với dưa góp chính là "linh hồn" của món ăn này.
Bát nước chấm tỏi được coi là "linh hồn" của món bún chả. (Ảnh minh họa)
Bún chả Ninh Bình với miếng chả lớn. (Ảnh minh họa)
Thông thường, người ta sẽ pha nước từ đường, nước mắm, nước cốt chanh, giấm, rồi khuấy đều lên cho các gia vị hòa vào nhau. Cuối cùng sẽ cho thêm đu đủ, su hào, cà rốt thái lát vào, ngâm khoảng 5 - 10 phút là ăn ngon.
Như đã nói ở trên, bún chả là món ăn phổ biến ở khu vực miền Bắc. Dạo quanh Hà Nội, không khó để tìm thấy một hàng bún chả với mùi khói quạt chả thơm nghi ngút một góc phố. Bún chả nổi tiếng đến nỗi, nó còn xuất hiện trong những tác phẩm văn học của nhiều nhà văn, nhà thơ. Hay đến vị Tổng thống Mỹ quyền lực, ông Barack Obama cũng từng thưởng thức bún chả trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2016, và vô cùng yêu thích nó.
Hình ảnh ông Obama ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp, nhâm nhi suất bún chả cùng chai bia Hà Nội đã gây sốt vào thời điểm bấy giờ. Và sau khi trở về, ông Obama còn chia sẻ trên Twitter của mình: "Chiếc ghế nhựa thấp, món bún rẻ nhưng ngon tuyệt cùng bia Hà Nội mát lạnh."
Hình ảnh ông Obama ăn bún chả tại Hà Nội từng gây sốt.
2. Bánh cuốn
Bánh cuốn cũng là một món ăn Việt, ăn kèm với nước chấm mắm tỏi, tạo nên một hương vị vô cùng đặc trưng và hấp dẫn. Tùy vào vùng miền, người ta còn gọi bánh cuốn bằng cái tên là bánh mướt hay bánh ướt. Món ăn được làm từ bột gạo hấp, sau đó được tráng mỏng rồi cuộn tròn, bên trong là nhân rau hoặc thịt.
Bát nước chấm của bánh cuốn khác với nước chấm ở bún chả đó là thay vì đậm vị tỏi, thì ở bánh cuốn, thực khách sẽ bị ấn tượng bởi hành khô được phi thơm và có vẻ ngoài vàng giòn.
Bánh cuốn cùng nước mắm hành phi. (Ảnh minh họa)
Những du khách nước ngoài sau khi thưởng thức bánh cuốn đều nhận xét hương vị thơm của tỏi, của hành phi và vị cay cay của ớt vô cùng hấp dẫn đối với họ. Nikki, một du khách người Nga khi đặt bánh cuốn về nhà ăn sáng, anh còn ăn hết sạch suất ăn của mình và rất yêu thích hành phi và vị mềm, thơm của bánh cuốn. Còn trong video từ một hướng dẫn viên du lịch, khi anh đưa những vị khách của mình đi ăn bánh cuốn vỉa hè, tất cả đều dành lời khen cho món ăn và rất hài lòng.
Chàng du khách Nga thích thú thưởng thức bánh cuốn với nước mắm cùng hành phi. (Ảnh chụp màn hình Tiktok @hellonikki.vn)
Du khách nước ngoài khi được thưởng thức bánh cuốn vỉa hè. (Ảnh chụp màn hình Tiktok @sonnuutu90)
Dọc mảnh đất hình chữ S, bánh cuốn cũng có nhiều phiên bản, tùy theo từng địa phương, vùng miền khác nhau. Có thể kể tới như bánh cuốn Hà Nội, bánh cuốn Hải Dương, bánh cuốn Phủ Lý, bánh cuốn Lạng Sơn hay bánh cuốn Cao Bằng đều rất khác nhau.
Trong đó bánh cuốn Lạng Sơn và bánh cuốn Cao Bằng có điểm đặc biệt và khác biệt rõ rệt nhất so với các loại bánh cuốn còn lại. Món ăn bao gồm trứng gà và thịt nạc kho, được chà nhuyễn thành từng sợi nhỏ, ăn kèm với nước canh là nước được ninh từ xương ống, thêm các gia vị, hành, mùi, tiêu, ớt hoặc măng ớt.
Nhiều nhà hàng còn dùng nước thịt kho để hương vị món ăn được đậm đà hơn. Khi ăn thực khách không chấm bánh vào bát nước, mà chan nước canh lên mặt bánh, khéo léo đưa lên miệng sao cho lòng đỏ trứng vỡ tan ra, hòa lẫn với nước dùng khi còn nóng hổi. Cách ăn này còn được gọi là bánh cuốn canh.
Bánh cuốn canh khác lạ ở Lạng Sơn hay Cao Bằng. (Ảnh minh họa)
Nhiều người, thậm chí là cả những đầu bếp lâu năm từng nhận xét rằng, nước chấm hay nước mắm chấm trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, chính là linh hồn của món ăn. Dù ở mỗi vùng miền, mỗi món ăn, các loại nước chấm được thay đổi sao cho phù hợp với hương vị và khẩu vị thực khách, song món ăn có nước chấm sẽ thể hiện đầy đủ nhất sự chua, cay, mặn, đắng, ngọt, tạo nên nét đặc biệt chỉ ở ẩm thực Việt mới có.