Các cuộc đàm phán cho phép hai hãng ôtô hợp tác chặt chẽ hơn về công nghệ trong thời điểm ngành công nghiệp đang được định hình lại bởi các đối thủ như Tesla và các hãng Trung Quốc.
Cuộc thảo luận nhằm thiết lập một công ty mẹ mà Nissan và Honda sẽ thuộc sự quản lý, nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, thông tin này chưa được công khai.
Hiện chưa rõ liệu việc thành lập công ty mẹ có nhằm mục đích tạo ra sự hợp nhất giữa hai công ty hay không, dù Nikkei cho biết hai bên đang bắt đầu các cuộc thảo luận về việc sáp nhập.
Honda CR-V và Nissan Rogue - hai đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Driving
Hai hãng xe đã tăng cường quan hệ trong những tháng gần đây khi phải đối mặt với sự thay đổi trong thị trường xe điện. Cùng với sự cạnh tranh gay gắt, các hãng cũng phải đối mặt với nhu cầu chững lại tại châu Âu và Mỹ, gia tăng áp lực giữa bối cảnh ngày càng nhiều khó khăn.
Ngày 17/12, Honda và Nissan ra tuyên bố giống nhau: "Như đã thông báo vào tháng 3, Honda và Nissan đang khai thác các khả năng hợp tác trong tương lai bằng cách tận dụng thế mạnh của nhau".
Trong năm qua, cuộc chiến giá xe điện do Tesla và hãng xe Trung Quốc BYD phát động đã tăng áp lực lên các công ty đang mất tiền vào các dòng xe thế hệ mới. Điều này khiến các hãng như Honda và Nissan phải tìm cách cắt giảm chi phí và nhanh chóng phát triển sản phẩm, và sáp nhập là một bước đi quan trọng theo hướng đó.
Vốn hóa thị trường của Honda là 5.950 tỷ yen (38,8 tỷ USD), trong khi của Nissan là 1.170 tỷ yen (7,6 tỷ USD). Bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể là lớn nhất trong ngành kể từ vụ sáp nhập trị giá 52 tỷ USD giữa Fiat Chrysler và PSA vào năm 2021 để tạo ra Stellantis.
Honda và Nissan, lần lượt là hai nhà sản xuất ôtô lớn thứ hai và thứ ba của Nhật Bản sau Toyota, đang mất thị phần tại Trung Quốc. Quốc gia này chiếm gần 70% doanh số xe điện toàn cầu trong tháng 11, với hơn 1,27 triệu xe.
Cả hai công ty có doanh số toàn cầu kết hợp là 7,4 triệu xe vào năm 2023, nhưng đang đối mặt với thách thức từ các nhà sản xuất ôtô điện, đặc biệt tại Trung Quốc, nơi BYD và các đối thủ khác đã vươn lên dẫn đầu.
Các nhà sản xuất ôtô toàn cầu như General Motors (GM) và Ford đã giảm đầu tư vào ôtô điện khi chi phí vay cao và cơ sở hạ tầng sạc kém cản trở việc áp dụng dù có sự khuyến khích từ chính phủ. Tháng 9, GM cho biết đang đàm phán với Hyundai để khám phá cách hợp tác nhằm cắt giảm chi phí, bao gồm phát triển xe chung.
Ngành ôtô châu Âu đang trong tình trạng hỗn loạn, với nguy cơ mất hàng nghìn việc làm khi các nhà sản xuất ôtô chịu ảnh hưởng từ việc thị trường yếu đi, chi phí cao, sự chậm trễ trong việc chấp nhận ôtô điện và cạnh tranh gia tăng từ các đối thủ Trung Quốc.
Volkswagen dự tính đóng cửa nhà máy ở Đức lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm, cắt giảm việc làm và lương để giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Tuần trước, nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu thông báo sẽ đóng cửa nhà máy Audi ở Brussels vào năm 2025.
Ngành công nghiệp ôtô toàn cầu cũng đang chuẩn bị cho khả năng đảo ngược chính sách thân thiện với ôtô điện của Tổng thống đắc cử Donald Trump, theo Reuters.
Vào tháng 3, Honda và Nissan đồng ý hợp tác trong kinh doanh xe điện và vào tháng 8, hai bên củng cố mối quan hệ bằng cách đồng ý hợp tác về pin, hệ thống truyền động điện và công nghệ khác.
Honda và Nissan cũng đang xem xét mời Mitsubishi tham gia vào công ty mẹ, theo báo cáo mới đây. Nissan hiện là cổ đông lớn nhất của Mitsubishi với 24% cổ phần.
Mỹ Anh