Chuyên mục  


Bản nâng cấp nhẹ, giữa vòng đời (facelift) hay thế hệ hoàn toàn mới của một mẫu xe nào đó thường đi kèm với những thay đổi về cấu hình sản phẩm theo hướng phong phú và công nghệ tiên tiến hơn. Đi cùng những nâng cấp mới là tăng giá bán. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, hàng loạt mẫu xe mới ra mắt đi ngược xu hướng này. Xe mới giảm giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, dù lượng tiện nghi, an toàn tăng thêm đáng kể.

Tăng trang bị, giảm giá bán

Hôm 17/4, Hyundai bán ra dòng Stargazer 2024 từ 489 triệu đồng, thấp nhất phân khúc MPV cỡ nhỏ. Bản tiêu chuẩn của xe giữ nguyên các trang bị, giá giảm 86 triệu đồng so với bản tiền nhiệm. Hai phiên bản của biến thể Stargazer X lần đầu mở bán nhưng so với các bản cao của chính mẫu xe này (Stargazer) trước đó, giá 559-599 triệu đồng của bản X thấp hơn 66-76 triệu đồng.

Giá giảm nhưng bản Stargazer X có ngoại hình thể thao hơn, tiện nghi gia tăng khi sở hữu sạc không dây, kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây. Bên cạnh đó là phanh tay điện tử, giữ phanh tự động và các tính năng an toàn thuộc gói ADAS như cảnh báo va chạm phía trước, phanh hỗ trợ va chạm phía trước/sau, hỗ trợ phanh tránh va chạm điểm mù, hỗ trợ giữ làn, kiểm soát hành trình...

Mẫu Stargazer X nhập khẩu Indonesia lăn bánh tại Việt Nam. Ảnh: HTC

Tương tự Hyundai, Toyota công bố giá bán cho bản nâng cấp giữa chu kỳ (facelift) Corolla Cross với mức giảm 40 triệu đồng (bản V) và 50 triệu đồng (bản HEV) so với bản tiền nhiệm, hôm 6/4. Giá mới của Toyota Corolla Cross lần lượt là 820 triệu đồng và 905 triệu đồng.

Giá giảm so với trước nhưng Corolla Cross 2024 nhận một loạt nâng cấp. Xe có mặt ca-lăng và đèn pha thiết kế mới. Phanh tay điện tử, giữ phanh tự động được bổ sung và là dạng tiêu chuẩn. Riêng bản HEV, Corolla Cross có thêm các tính năng, trang bị như như hỗ trợ phanh khi lùi, sạc không dây, đồng hồ tốc độ 12,3 inch và màn hình giải trí 10 inch đều lớn hơn bản cũ.

Nhà phân phối Volkswagen tại Việt Nam bán ra bản đặc biệt của dòng Teramont hôm 4/4. Xe sở hữu hàng loạt nâng cấp về trang bị nội, ngoại thất như bệ bước chân, cốp mở rảnh tay, sạc không dây, khay nhỏ phía sau hàng ghế thứ nhất dùng để đựng ly hoặc tạo thành bàn làm việc...Công nghệ an toàn có thêm tính năng giữ phanh tự động, cảnh báo điểm mù và camera 360 độ. Điểm đặc biệt là giá bán của bản này thấp hơn bản thường đã bán trước đó (không có các nâng cấp vừa kể) 360 triệu đồng.

Trường hợp gây sốc nhất thị trường khi ra mắt bản mới, tăng trang bị nhưng giá giảm mạnh là Mazda CX-5. Đơn vị lắp ráp và phân phối - Trường Hải - áp dụng giá bán 749-829 triệu đồng (các bản động cơ 2.0) cho CX-5 facelift hồi tháng 7/2023. Giá bán này tạo ra mức sàn mới của phân khúc khi dưới 800 triệu đồng.

Ngoài nâng cấp về thiết kế, Mazda CX-5 có màn hình giải trí cảm ứng tăng từ 7 lên 8 inch ở tất cả các phiên bản. Hai bản cao có ghế lái chỉnh điện 10 hướng. Riêng bản đắt nhất Premium có thêm mở cốp rảnh tay, âm thanh 10 loa Bose, màn hình HUD trên kính lái, sưởi và làm mát hàng ghế trước... Công nghệ an toàn thêm cảnh báo điểm mù và cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi ở bản tiêu chuẩn. Hai bản cao có gói an toàn i-Activsense.

Trước CX-5, tháng 5/2023, Toyota giảm giá hai phiên bản Vios E MT và E CVT mức 10-14 triệu đồng, bản G giữ nguyên giá. Ngoài ngoại hình thay đổi theo hướng trẻ trung và cứng cáp hơn, hãng nâng cấp màn hình từ 7 inch lên 9 inch, vô-lăng thêm lẫy chuyển số cho bản G. Hai bản thấp hơn của Toyota Vios thêm cổng sạc USB cho hàng ghế sau. Cảnh báo va chạm phía trước, cảnh báo lệch làn đường bổ sung cho phiên bản G.

Xu hướng giảm giá mới bắt nguồn từ đâu?

"Điểm mấu chốt vẫn là thị phần", trưởng phòng bán hàng một đại lý xe Nhật chính hãng tại TP HCM, nói. "Giữa lúc thị trường đang chậm, khách có xu hướng chọn xe giá rẻ sát nhu cầu nhất, hãng nào tạo ra giá bán hấp dẫn hơn thì hút khách hơn".

Theo vị quản lý, việc các hãng giảm giá xe mới cho thấy áp lực cạnh tranh thị phần đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Đến một mẫu xe được xem là vua doanh số hàng chục năm qua của thị trường, Toyota Vios cũng giảm giá bản mới khi nhận thấy áp lực của doanh số giảm, đối thủ chính Hyundai Accent bám sát phía sau.

Giữa bối cảnh thị trường khắp nơi đều giảm giá, đại lý cắt bớt lợi nhuận để đẩy hàng, xe nào không giảm giá hầu như rất khó bán. Khi một mẫu xe thuộc top 10 xe bán chạy nhất thị trường, dẫn đầu phân khúc CUV cỡ C như CX-5 giảm giá, những đối thủ cạnh tranh chính như Hyundai Tucson, Ford Territory khó "bình chân như vại".

Thực tế cho thấy Tucson và Territory đã xuôi theo làn sóng giảm giá của CX-5. Đầu tháng 4, Hyundai giảm giá niêm yết của Tucson 30-50 triệu đồng, xuống còn 769-919 triệu đồng. Sau đó, Ford giảm mức bán lẻ của Territory 23-25 triệu, xuống còn 799-929 triệu đồng.

Nhân viên bán hàng của đại lý Kia trao đổi với khách hàng tại đại lý. Ảnh: Thành Nhạn

Các hãng xe thường có hai cách marketing về giá cho một sản phẩm mới. Thứ nhất là định mức ngang hoặc cao hơn bản cũ, sau đó giảm giá. Thứ hai là định giá thấp và giảm bớt khuyến mãi sau đó. Khi thị trường kém sôi động như hiện nay, việc mua xe được người dùng đắn đo nhiều hơn, cách thứ hai đang được phần lớn các hãng áp dụng.

Mẫu Stargazer của Hyundai trước khi bán bản mới 2024 thường xuyên có mức giảm 80-100 triệu đồng tại đại lý. Thay vì giảm khoản này vào giá xe mới được định mức ngang hoặc cao hơn bản cũ, hãng định luôn giá thấp, vừa tạo hiệu ứng truyền thông, vừa giảm bớt tác dụng ngược về mặt marketing khi phải giảm giá nhiều lần và liên tục.

Tất nhiên với mức giá được định thấp sẵn của Stargazer, khuyến mãi cho xe ở mức thấp hoặc không có. Bản thân Hyundai Thành Công cũng muốn Stargazer có tính cạnh tranh cao ở phân khúc MPV, nơi chiếc Mitsubishi Xpander bán chạy nhất toàn thị trường 2023 với doanh số hơn 19.000 chiếc. Hyundai Stargazer trong cùng năm bán chỉ 3.857 xe, trung bình 320 xe/tháng.

Trường hợp tương tự với Corolla Cross 2024. Toyota Việt Nam đưa ra mức giá mới giảm 40-50 triệu đồng so với bản cũ, đây cũng là mức khuyến mãi thường xuyên dành cho mẫu xe này trong hơn một năm trước khi ra bản mới. Chưa kể giá bán thấp của CX-5, một mẫu xe ở phân khúc cao hơn nhưng tác động xuống phân khúc thấp hơn như cỡ B+, nơi Corolla Cross đang hiện diện.

Theo một chuyên gia bán hàng tại TP HCM, việc hãng giảm giá bán của xe khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Tuy nhiên về mặt dài hạn, giá bán hấp dẫn hơn đồng nghĩa thanh khoản của xe tốt hơn, từ đó giảm bớt các áp lực về chi phí lưu kho, xoay vòng vốn (vay ngân hàng). Chưa kể doanh số của xe tăng tạo tiền đề cho các khoản thu về dịch vụ hậu mãi, bảo dưỡng xe sau đó.

"So với việc không giảm giá, xe tồn kho nhiều và lâu, hãng giảm giá xe để tăng tính thanh khoản có thể xem là được nhiều hơn mất", vị chuyên gia cho biết.

Thành Nhạn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020