Những ai từng sinh sống, học tập và làm việc tại thủ đô Hà Nội đều không xa lạ gì với những con đường như Hoàng Đạo Thành, Hoàng Đạo Thúy và Tạ Quang Bửu. Nhưng mấy ai biết được rằng, phía sau tên của những con đường này là câu chuyện của một gia đình trí thức, với những nhân cách lớn và tài năng.
Hoàng Đạo Thành
Con đường này được đặt theo tên của 1 vị sử gia Hoàng Đạo Thành (1830 – 1908), 1 chí sĩ hoạt động phong trào Duy Tân, ông cũng là cha của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Ông Hoàng Đạo Thành sinh ra ở làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay là quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ông vốn giỏi văn chương và ham mê lịch sử ngay từ khi còn nhỏ. Sau khi đỗ cử nhân năm 1884, ông làm giáo thụ ở các phủ Quốc Oai, Hoài Đức, Từ Sơn… rồi quyền tri phủ Thuận Thành. Sau đó ông từ quan để về quê dạy học và tham gia phong trào Duy Tân. Ông nổi tiếng có tài và có nhiều tác phẩm văn thơ để đời như: Đại Nam hành nghĩa liệt nữ truyện, Việt sử tứ tự, đặc biệt có bộ Việt sử tân ước được soạn theo tinh thần tiến bộ như ca ngợi triều Tây Sơn, khai thác nguồn văn hóa dân gian…
Đường Hoàng Đạo Thành
Ông Hoàng Đạo Thành lấy 2 vợ, tổng có 6 người con và ông Hoàng Đạo Thúy là con thứ 6 trong nhà và cũng là người để lại tiếng tăm nhất trong số 6 anh chị em. Trước nhà văn Hoàng Đạo Thúy có 1 chị gái tên Hoàng Thị Uyên cũng rất nổi tiếng, thường gọi là bà Cả Mọc, là nhà từ thiện và là người thành lập nhà nuôi dưỡng trẻ miễn phí đầu tiên tại Hà Nội trước năm 1945. Anh trai của ông là Cử nhân Hoàng Đạo Phương, một thương gia giàu có ở Hà Nội ngày xưa.
Hoàng Đạo Thúy
Hoàng Đạo Thúy là con nhà nho Hoàng Đạo Thành, tên được đặt cho 1 con đường của quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngay từ thời trẻ ông đã được coi là một nhà sư phạm tài năng, một nhà nho am tường. Ông cũng được coi là anh cả trong phong trào Hướng đạo Sinh Việt Nam.
Chân dung nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy.
Ông đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng như: Giám đốc trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Công binh, Cục trưởng Cục Quân huấn, Tổng thư ký Ban Thi đua Trung ương… Ông có công đầu trong việc tạo dựng và phát triển ngành thông tin liên lạc quân sự và được coi là anh cả trong Bộ đội Thông tin.
Ngoài ra, ông còn để lại nhiều tác phẩm về các lĩnh vực như giáo dục, quân sự, lịch sử, văn hóa… Đặc biệt là những tác phẩm về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hóa Hà Nội của ông được mệnh danh là nhà Hà Nội học hàng đầu của Việt Nam.
Tạ Quang Bửu
GS Tạ Quang Bửu là con rể của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, lấy con gái của ông là bà Hoàng Thị Oanh. GS Tạ Quang Bửu là nhà khoa học lỗi lạc của Việt Nam, một trong những nhà tri thức tài giỏi của nước ta thời kỳ sau cách mạng tháng 8 năm 1945.
Ông là một trí tuệ uyên bác trong nhiều lĩnh vực - từ Toán, Lý cho tới Triết học, Âm nhạc, Hội hoạ. Sau khi đi tu học ở các trường đại học của Pháp và về nước, năm 1934 (khi mới 24 tuổi), Tạ Quang Bửu từ chối lời mời ra làm quan mà đi dạy Toán và tiếng Anh ở trường tư Providence (Huế). Ngoài 2 môn học này, ông còn nhận dạy các bộ môn khác theo yêu cầu của nhà trường - một việc hiếm ai có thể làm được.
GS Tạ Quang Bửu và vợ.
Với công lao cống hiến của mình, ông được Đảng, Quốc hội, Nhà nước ta tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huy chương Quân kì quyết thắng.