Dưới dãy núi Pyrenees ở miền Nam nước Pháp, một lâu đài đứng lặng lẽ giữa gió trời lồng lộng.
Mây vờn mờ ảo, hoa cỏ bao quanh, tòa lâu đài hiện lên như trong mơ. Nhưng chẳng có ai ngờ rằng, chỉ vài năm trước, nơi này giống như địa ngục trần gian.
Lâu đài hoang ở đất nước xa xôi
Năm 2012, vợ chồng Waters người Úc tình cờ tìm thấy trên mạng một tòa lâu đài cổ phong cách tân hiện đại ở nước Pháp xa xôi, tọa lạc dưới chân núi đẹp như tranh vẽ. Tuy nhiên, lâu đài đã bị bỏ hoang 4 năm.
Gia đình nhà Waters
Vợ chồng Waters rất yêu những lâu đài cổ. Thế là họ đã liên hệ người môi giới, sau khi xem vài hình ảnh thực tế, cuối cùng mua lại lâu đài với giá 500.000 đô la Úc (khoảng 7,6 tỷ đồng). Đây cũng là toàn bộ số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng.
Tiền có thể kiếm được, nhưng đam mê thì phải nắm lấy. Cả gia đình vui vẻ bay đến Pháp, nhưng hình dáng thật sự của tòa lâu đài khiến họ phải ngỡ ngàng.
Lâu đài cổ trước mắt như một đống phế tích, dơ bẩn và đổ nát.
Bên ngoài cỏ dại mọc um tùm, dơi sống xung quanh, như một ngôi nhà ma ám không hơn không kém.
Bước vào lâu đài, vợ chồng Waters suýt "chết đứng" tại chỗ. Bên trong lâu đài là một mớ hỗn độn, đi tới đâu cũng là ngói vụn chồng chất. Tường bị mốc meo và bong tróc, mạng nhện dày quấn quanh mọi ngóc ngách.
Chưa hết, trần và sàn nhà bị thủng lỗ chỗ. Trên lối đi hành lang, nước đọng lâu ngày, phủ đầy rêu xanh. Cầu thang lung lay sắp đổ…
Loáng thoáng phát ra mùi hôi thối, khiến người ta nhất thời không phân biệt được rốt cuộc là mùi bụi bẩn tích tụ hay xác rắn chuột gián.
Hóa ra, toà lâu đài này có khoảng 94 phòng, trong đó chỉ 4 gian đã được dọn dẹp - những hình ảnh mà họ đã thấy thông qua người môi giới.
Hai vợ chồng nhìn mọi thứ trước mắt, chỉ biết khóc không ra nước mắt.
Tiền đã sử dụng hết, hợp đồng đã được ký. Không thể hủy hợp đồng, cộng với tình yêu kiến trúc cổ, vợ chồng nhà Waters quyết định tự sửa chữa lâu đài.
Năm 2013, gia đình 4 người dẫn theo chó, “cắm trại” bên cạnh lâu đài hoang vắng.
Họ di chuyển qua lại Úc và Pháp để làm việc kiếm tiền sửa chữa lâu đài.
Vợ chồng Waters cho đến bây giờ cũng chưa thể tin rằng họ từ bỏ cuộc sống an ổn sung túc ở Úc để “lao đao” vì một lâu đài cũ nát ở đất nước xa xôi.
Tái sinh lâu đài mang vết tích thời gian
Mọi cuộc gặp gỡ trên đời này đều có nguyên do. Ai mà ngờ được, lâu đài cũ nát lại có nguồn gốc không hề đơn giản.
Tòa lâu đài này có tên Châteaude Gudanes, được xây dựng vào năm 1213 và ban đầu được sử dụng như một pháo đài. Chiến loạn đã khiến nơi đây bị phá hủy.
Cuộc sống của cư dân cuối cùng trong hang động nổi tiếng tại 'Vương quốc của bầu trời'
Thành phố ít người biết nhưng sở hữu cảnh sắc đẹp đến mê hồn, được người Nhật đưa vào ngạn ngữ ngợi ca
'Tiểu Picasso' nổi danh thế giới chỉ sau 36 giờ, bị hoài nghi về cái mác thiên tài
Từ năm 1741 đến năm 1750, Hầu tước Gudana đã mời kiến trúc sư nổi tiếng Ange-Jacques Gabriel xây dựng lại. Điều đáng nói là Nhà hát Opera Paris nổi tiếng và Quảng trường Concorde đều được thiết kế bởi Ane-Jacques Gabriel.
Thật không may, hơn 200 năm thay đổi không ngừng, gia tộc Gudana không còn người kế thừa, lâu đài trở thành một cái vỏ rỗng có hư danh bị thế giới lãng quên cho đến khi thuộc về tay vợ chồng nhà Waters.
Việc dọn dẹp đống đổ nát tích lũy bên trong lâu đài cổ trong nhiều năm tiêu tốn rất nhiều thời gian. Đội dọn dẹp đã xử lý gần 50 những thứ bỏ đi trong lâu đài.
Việc sửa chữa các bức tường bên ngoài cũng mất rất nhiều công sức. Dây leo quấn quanh tường, cỏ dại mọc rậm rạp. Tiếng máy đục khoét, xây lại nền móng vang lên mấy ngày liên tục.
Để tiết kiệm thời gian, vợ chồng Waters tự đào đất, lấp hố để bón phân và trồng hoa, thậm chí còn mỗi ngày theo công nhân vận chuyển gạch bùn, vật liệu.
Cuối cùng, vấn đề cần phải giải quyết là điện và nước.
Sau một thời gian dài làm việc với chính quyền, lâu đài đã được lắp đặt đường ống và cấp nước sinh hoạt.
Khi bóng điện đầu tiên được thắp sáng trong phòng, vợ chồng Waters đã khóc nức nở.
Vì muốn ghi lại những trải nghiệm “sửa nhà” để đời này, gia đình cập nhật quá trình lên Instagram. Tài khoản đã thu hút hơn 300.000 người theo dõi.
Năm 2018, vợ chồng Waters đã viết câu chuyện của mình thành sách. Lâu đài vẫn chưa được hoàn thiện nhưng đã trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội
Trở thành lâu đài nổi tiếng mang dáng hình cổ xưa
Sau quá trình tu sửa lâu dài, tâm huyết của vợ chồng Waters đã được đền đáp. Lâu đài cổ lần nữa được sống lại một cách huy hoàng.
Bình minh, toàn bộ trang viên lâu đài như được mạ một lớp ánh sáng, chiếu vào cánh cổng sắt đầy hoa cỏ, như thể bạn nhìn thấy sự tươi sáng rực rỡ của lâu đài hơn 200 năm trước.
Gia đình Waters đã không trang hoàng lâu đài trở nên hiện đại, lộng lẫy hơn, mà vẫn giữ lại những nét cổ điển trầm lắng. Những bức tường trong lâu đài vẫn còn màu rêu phong, loang lổ; vật dụng đậm màu thời gian nhưng không kém phần tinh xảo. Một sự không hoàn hảo lại toát ra sự hợp lý và tinh tế đến lạ. Cả lâu đài chìm trong hoa thơm và nét vương vấn thời đại xưa cũ. Màu sắc tươi sáng và nhẹ nhàng soi rọi mọi ngóc ngách.
"Những dấu vết của năm tháng không nên bị che khuất, chúng ta không cần một ngôi nhà hoàn hảo", vợ chồng Waters cùng đồng lòng.
Mùa xuân năm 2019, lâu đài đã mở cửa chào đón du khách đến tham quan. Người hâm mộ, khách du lịch và dân làng địa phương đổ xô đến. Ai cũng muốn chứng kiến sự tái sinh của lâu đài cổ trải qua thăng trầm lịch sử.
Ngày nay, lâu đài Châteaude Gudanes đã trở thành địa điểm nổi tiếng trên mạng xã hội. Truyền thông đưa tin, nhiều nhãn hàng thời trang và kiến trúc đưa lời mời hợp tác.
Nhờ thiết kế "thẩm mỹ cũ nát" độc đáo, lâu đài đã trở thành nơi chụp ảnh ngự trị của nhiều tạp chí nổi tiếng.
Sau khi ngày càng có nhiều người hâm mộ tìm đến, lâu đài cũng mở các lớp học nấu ăn và nghệ thuật cắm hoa.
Song học tập chỉ là số ít, nhiều nhất chính là hoạt động thưởng thức trà chiều tự tay làm trong lâu đài cổ lãng mạn và nhìn ra núi Pyrenees bên ngoài cửa sổ.
Gia đình Waters tâm niệm rằng việc quyết định sống ở lâu đài Châteaude Gudanes như một cách trốn khỏi thành thị tấp nập: "Chúng tôi đang học cách thích nghi từ từ với lâu đài, thay vì buộc lâu đài phải thích nghi với chúng tôi".
Nhớ lại những cay đắng ban đầu, họ mỉm cười và nói: "Nếu năm đó xem những bức ảnh chụp toàn bộ lâu đài, có lẽ chúng tôi đã không mua nó và đương nhiên phải bỏ lỡ cơ hội nhìn thấy tòa lâu đài cổ được tái sinh".
Nguồn: Zhihu