Chuyên mục  


Trong cuộc sống có 3 kiểu người: Một, thích tiêu tiền, không biết dành dụm. Hai, thích tiết kiệm và cũng biết chi tiêu hợp lý. Ba, rất thích tiết kiệm nhưng không thích tiêu xài.

Nhiều người cho rằng cuộc sống là phải được chi tiêu thoải mái, thích gì mua đó, muốn ăn gì thì ăn đó. Chỉ như vậy, hạnh phúc mới tràn đầy, cuộc đời mới có ý nghĩa. Theo đó, người chỉ biết làm việc kiếm tiền để tiết kiệm, nhưng lại không muốn chi tiêu, cuộc sống có thật sự mất đi ý nghĩa?

Có lẽ bạn từng nghe câu: Điều thê thảm nhất trên cuộc đời này chính là người chết rồi nhưng tiền vẫn còn đó!

Vậy thì thế giới này thật sự tồn tại người thích kiếm tiền và để dành nhưng không hề muốn chi tiền sao? Xin trả lời là có!

Kể cho bạn nghe một câu chuyện.

Ông Ba, hàng xóm của tôi, kinh doanh nhỏ, bình thường vô cùng tiết kiệm, cũng không thấy tiêu xài hay chi tiền. Đương nhiên, ông cũng không thích cho người khác mượn tiền. Sở thích duy nhất là ôm tiền đi gửi ngân hàng.

Cứ thế, cách một khoản thời gian, ông lại ghé đến ngân hàng gửi tiết kiệm.

Ông sống vô cùng giản dị, không nỡ mua đồ đắt tiền, quần áo thậm chí còn rách lỗ chỗ và giãn rộng đến tội nghiệp. Mặc dù có tiền trong người nhưng ăn uống vô cùng kham khổ, chắt chiu đến từng đồng từng cắc.

Được hỏi đến việc làm ăn thế nào, ông luôn kể khổ bản thân không có tiền, kinh doanh cũng chẳng có lời.

Về sau, ông mắc bệnh nặng và qua đời. Cuối cùng, người nhà mới phát hiện sổ tiết kiệm có đến mấy trăm triệu. Nhưng thật đáng tiếc, người không còn nữa.

Hỏi ra mới biết, trước đó, vì tiếc tiền nên ông không chịu khám bệnh và chữa bệnh đàng hoàng, thế là bệnh nặng dần, đến lúc ngã xuống thì mọi chuyện đã muộn màng. 

Một người chỉ biết liều mạng kiếm tiền, nhưng lại quên đi việc phải yêu thương bản thân, cuối cùng chỉ đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Tôi còn quen một người chị đồng nghiệp. Chị ấy mang thai và có thói quen gửi một số tiền tiết kiệm nhất định vào thẻ thông qua kế hoạch của người cung cấp dịch vụ quản lý tài chính.

Song, chị lại không nỡ bỏ tiền để khám thai định kỳ, cũng không đảm bảo dinh dưỡng cho bản thân và cả cái thai trong bụng.

Thế là chị đã sinh non, hai đứa con sinh đôi ra đời với tình trạng sức khỏe vô cùng kém. Nhưng may thay, chị sinh ở bệnh viện lớn của thành phố nên bác sĩ đã cứu được 2 sinh mệnh nhỏ bé. Trận nguy cấp này đã “ngốn” hết của chị một số tiền rất lớn.

Đây chính là ví dụ điển hình của việc: Mù quáng với số tiền nhỏ, nhưng lại đánh mất số tiền lớn.

Qua 2 câu chuyện trên, có lẽ bạn cho rằng: “Thôi thì sống cho hết mình, không cần tiết kiệm làm gì nữa?”.

Sống tiết kiệm luôn đúng đắn, vừa không lãng phí tài nguyên vừa dành ra một khoản cho mục đích khác. Khoản tiết kiệm có sức mạnh rất lớn: Phục vụ cho kế hoạch kinh doanh, phòng thân, chữa bệnh, sử dụng cho những lúc bất trắc…

Điều kiện tiên quyết để tiết kiệm là phải biết kiếm tiền. Do đó, kiếm tiền và tiết kiệm nên bổ trợ cho nhau, cùng tồn tại song song. 

Bên cạnh đó, bạn nên biết chi tiêu hợp lý, không phung phí và cũng không quá keo kiệt cực đoan. Chỉ như thế, tiết kiệm mới đúng giá trị.

Một sự thật không thể chối cãi là khi được tiêu xài thoải mái, con người ta dễ dàng cảm thấy hạnh phúc yêu đời. Nhưng sự thoải mái này phải được đặt trên tiền đề là bạn có thể quản lý tài chính và đảm bảo dòng tiền luôn được kiểm soát ổn định. Nếu không, sự mất cân bằng giữa thu và chi sẽ xảy ra.

Trên đời này, ai cũng muốn cuộc sống giàu sang, “mua đồ không cần nhìn giá”. Bạn nói cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa nếu chỉ biết làm lụm kiếm tiền mà không biết tiêu tiền. Điều này hoàn toàn đúng đắn.

Nó khác với trường hợp: Chỉ biết kiếm tiền và không nỡ tiêu tiền. Làm thì nhiều nhưng tiết kiệm một cách cực đoan. Để rồi nhận lấy kết quả “tiền mất tật mang” như hai câu chuyện trên. Lúc này, cuộc sống thật sự mất đi ý nghĩa chân chính.

(Nguồn: Zhihu)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020