Chuyên mục  


Nghĩa vụ quân sự là gì?

Khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện Nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

Khoản 2  Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.

nghia-vu3-1602.png

Khoản 3 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

Khoản 4 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:

  • a) Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực;
  • b) Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;
  • c) Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;
  • d) Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

đ) Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

Nghĩa vụ quân sự 2024 đi mấy năm?

Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp sau đây:

- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.

Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.

Như vậy, thông thường thì thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

nghia-vu-1602.jpg

Những đối tượng nào phải đăng ký nghĩa vụ quân sự ?

Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định những đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm:

(1) Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.   

(2) Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đủ 18 tuổi trở lên.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm gì trong thực hiện nghĩa vụ quân sự?

Điều 5 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:

 Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm giáo dục, động viên và tạo điều kiện cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong thực hiện nghĩa vụ quân sự ?

Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định, các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm:

  (1) Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

  (2) Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

  (3) Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

  (4) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghia vụ quân sự.

  (5) Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.

  (6) Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020