Sự sống của trẻ bị cướp đi vì bạo hành
Ngày 18/1 thêm một bé gái 3 tuổi ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội nguy kịch khi bị 9 vật thể giống đinh đóng ở đầu nghi bị bạo hành. Sự việc khiến nhiều người đọc không khỏi rùng mình sợ hãi. Điều đáng nói theo chia sẻ của những người thân của bé, cháu bé chỉ trong một thời gian ngắn đã có tới 4 lần cấp cứu với những tai nạn kì lạ. Cụ thể, một lần cháu bị dị vật ở mũi phải, một lần uống phải thuốc trừ sâu, một lần nuốt 3 cái đinh khiến 1 cái mắc ở cổ họng, 2 cái mắc ở hậu môn rồi gãy tay...
Một đứa trẻ mới chỉ 3 tuổi 3 tháng mà đã có tới 4 lần cấp cứu như vậy là một điều bất thường. Sự việc hiện vẫn đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên một điều có thể nhận thấy là bé đã bị chính những người thân ở bên cạnh của mình bạo hành?. Trước khi nhập viện trong tình trạng nguy kịch với 9 vật thể giống đinh cắm vào hộp sọ, bé A. ở trọ cùng mẹ đẻ và nhân tình của mẹ.
Hình ảnh Xquang cho thấy những vật lạ nghi là đinh ở hộp sọ bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội
Đây không phải là câu chuyện cá biệt khi chỉ mới tháng trước, bé V.A 8 tuổi ở TP HCM cũng đã chết tức tưởi sau trận đòn dã man do bạn gái của bố. Bố mẹ bé cũng ly hôn, bé sống với bố. Bé V.A cũng bị hành hạ trong thời gian dài, người bố cũng thờ ơ và tiếp tay.
Điểm chung của những nạn nhân trên đều là những đứa trẻ không có khả năng tự vệ, càng không thể bỏ chạy vì đó là người thân của mình. Gia đình chúng chia đôi vì cha mẹ ly hôn. Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện, 1.506 trẻ em bị xâm hại tình dục. Đáng nói, 97% kẻ gây hại đều là phụ huynh, người thân của nạn nhân. Theo thống kê của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 30.000 cuộc gọi phản ánh và cầu cứu. Giữa năm 2021 khi nhiều địa phương giãn cách xã hội, trẻ em ở trong nhà với người thân, số cuộc gọi tăng tới 40.000 - 50.000 mỗi tháng.
3 nguyên nhân chính khiến trẻ bị bạo hành sau khi bố mẹ ly hôn
Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Hồng Hương – Thường trực Thư viện Lưu trú thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã rất phẫn nộ trước hành động dã man từ "bàn tay" của người thực hiện bạo hành với bé gái 3 tuổi. Nhiều đứa trẻ hiện nay bị tổn thương, thậm chí bị cướp đi sự sống khi trở thành nơi "xả rác" của người lớn. Những vụ việc gần đây cho thấy hiện tượng bạo hành trẻ em liên quan đến mẹ kế, bố dượng đã trở thành một vấn đề quan ngại.
Điều gì khiến trẻ bị bạo hành sau khi bố mẹ ly hôn?. Chuyên gia đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính có thể thấy:
+ Thứ 1: Bệnh lý chưa được phát hiện
Trên đời này chỉ có cha mẹ là người yêu thương con vô điều kiện, những người cha mẹ, bạo hành chính con ruột mình thường là những người cha mẹ mắc bệnh lý về rối loạn cảm xúc, hoang tưởng, tâm thần mà chưa được phát hiện và can thiệp kịp thời
+ Thứ 2: Tổn thương trước ly hôn
Cha mẹ ruột của trẻ thường mạt sát, đấu đá, gây tổn thương nhau, hết lần này đến lần khác, tổn thương mới chồng lên tổn thương cũ rồi thì họ bỏ nhau, trong hận, trong sầu. Đứa trẻ là một phần bản năng họ vẫn yêu thương, nhưng đứa nhỏ cũng là hiện thân của kẻ gây tổn thương cho mình, nên khi không như ý đứa trẻ trở thành nơi chịu trận.
Ly hôn khiến những đứa trẻ không được sống cùng cả cha và mẹ trong một mái nhà mà phải sống cùng với cha hoặc mẹ cùng người tình của bố hoặc mẹ thì có thể ngoài việc người tình trút rác còn có những cơn ghen. Họ muốn độc chiếm người đàn ông hoặc đàn bà và đứa con nên khi thấy con vẫn liên lạc với mẹ hoặc bố, hoặc nghe chuyện trước đây họ từng hạnh phúc thì xả vào đứa trẻ bằng những trận đòn roi.
+ Thứ 3: Kết hôn là auto đẻ
Nhiều cặp đôi đến với nhau nhưng chẳng có kiến thức về nuôi dạy con, không lường hết được sinh một đứa trẻ thì cần chuẩn bị những gì? Và cũng chẳng có cam kết gì cho đứa trẻ. Vợ chồng ở với nhau, con là cục vàng nhưng khi bỏ nhau con có thể là "cục nợ" bởi họ cho rằng đó là hiện thân của mối quan hệ hôn nhân. Cha mẹ chưa từng nghĩ mối quan hệ giữa con và hôn nhân của họ, thậm chí có người coi con chỉ là công cụ để níu giữ cuộc hôn nhân. Khi cuộc hôn nhan rơi vào khủng hoảng họ cố đẻ thêm đứa nữa để níu giữ.
Để trẻ không bị tổn thương
Giải pháp nào cho những đứa trẻ không bị tổn thương sau khi bố mẹ li hôn, chuyên gia tâm lý Hồng Hương cho rằng, điều này cần phải sự phối hợp ở nhiều phía. Với cha mẹ trẻ cần hiểu đứa con là kết tinh của yêu thương và đồng thời là một thực thể có mối quan hệ tương thuộc với hôn nhân chứ không phụ thuộc vào hôn nhân. Khi nào cha mẹ hiểu được điều đó thì những đứa trẻ chắc chắn có được vị thế và được bảo vệ ngay cả khi ba mẹ không còn sống bên nhau.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương
Đối với những người thân như ông bà, cô dì chú bác hai bên… là hệ thống đỡ đầu và giám hộ thông qua việc thăm hỏi thường xuyên nhằm kết nối mối quan hệ với con cháu mình. Tuy không còn là dâu rể trong nhà nhưng mãi mãi họ vẫn là cha hoặc mẹ của con cháu mình. Sự phát triển và kết nối của các con với gia tộc phụ thuộc vào mối quan hệ giữa cha mẹ trẻ sau khi ly hôn và cách ứng xử của gia đình hai bên.
"Và thật tốt nếu như sau khi tòa phán quyết và xử ly hôn xong chúng ta có những hệ thống đôn đốc, giám sát việc hiện trách nhiệm nghĩa vụ của các bên đối với trẻ. Có hệ thống hỗ trợ tâm lý hôn nhân trước trong sau quá trình li hôn thì dù có khó khăn tới đâu chắc chắn là khi tâm của người chăm sóc trẻ an thì những đứa trẻ không còn là cái cớ cho người lớn xả vào" – chuyên gia tâm lý Hồng Hương chia sẻ.
GiadinhNet – Có rất nhiều gặp vợ chồng rơi vào mâu thuẫn chỉ vì vợ chồng khắc khẩu. Dưới đây, chuyên gia tâm lý chia sẻ cách “hóa giải” khi vợ chồng khắc khẩu mà người nào cũng nên áp dụng.