Chuyên mục  


Ở thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) có một cặp vợ chồng cùng tuổi 54, bỏ nghề sông nước, lên bờ làm bảo vệ - tạp vụ cho Nhà Trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.

Bỏ nghề sông nước vì bức xúc việc chích điện cá

Anh là Nguyễn Rồi, bảo vệ. Tạp vụ là vợ anh, chị Hồ Thị Cảnh. Họ làm việc cho nhà trưng bày được mấy năm nay. Lần đầu nhận lương, cầm trên tay mỗi người chỉ hai triệu nhưng vợ chồng vui lắm. Chị Cảnh trải lòng: “Thu nhập hơi thấp mà thấy người mình nhẹ nhàng thơ thới. Còn như trước đây, ngày nào cũng kiếm được hai, ba trăm nghìn nhưng lòng không vui”.
Hỏi vì sao, anh Rồi giải thích: "Vợ chồng tôi bơi xuồng ra đầm giăng lưới bắt cá kiểu truyền thống thôi. Còn số đông họ chích điện. Cá chết trắng đầm. Xót của trời, vợ chồng tôi góp ý, mình ăn của đầm cũng phải để cho đầm kịp sinh sôi. Họ nhìn vợ chồng tôi như người lạ. Họ còn nói vợ chồng ông Rồi lên giọng dạy đời. Buồn quá, tôi kéo xuồng lên bãi. Vợ tôi trồng củ. Tôi đi biển. Được một lóng (được một thời gian ngắn - PV), nói cho đúng nhờ trời thương, vợ chồng tôi được kêu vô làm ở nhà trưng bày".

Nhà Trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh

Dân xóm Cát xì xào, nói nhà ông Rồi đổi đời, bỏ nghề lưới đầm chuyển sang làm… cán bộ. Có người đề “thơ”: Tin đâu như sét đánh ngang/ Rồi đang đánh cá chuyển sang “trưng bày”. Cay hơn, người ta còn nói vợ chồng Cảnh - Rồi mê cái danh “văn hóa”.
Cả đời lặn ngụp trên đầm, giờ được “công tác” trong cái nhà trưng bày to đùng, hai vợ chồng mừng lắm. Anh Rồi giới thiệu một cách mạch lạc khiến tôi nghĩ anh không chỉ là… bảo vệ. Anh nói chỗ này có nhà trưng bày là đúng vì gần đây là Gò Ma Vương. Đầu thế kỷ 20, tại gò này, các nhà khảo cổ người Pháp khai quật nhiều ngôi mộ chum của người Sa Huỳnh cổ, có niên đại hơn 3 nghìn năm, đặt tên là “Văn hóa Sa Huỳnh”. Nơi đây sắp được công nhận là Di chỉ Văn hóa Quốc gia. Đoàn chuyên gia khảo cổ Sài Gòn và Hà Nội vừa về họp nói vậy.
Chị Cảnh mơ ước: Chỗ này làm du lịch là hết ý. Khách tham quan nhà trưng bày, rồi lên Gò Ma Vương viếng khu mộ cổ. Xong, bơi thuyền dạo mát trên đầm.
Tôi phục thầm vì điều chị nói nghe “sáng” lắm. Nhưng tôi vẫn đùa, anh chị cứ quét dọn, trông coi nhà trưng bày cho tốt đi đã. Chuyện to tát ấy đã có người lo. Nhưng anh Rồi vẫn “thuyết” tôi: "Du khách vô nhà trưng bày, coi hiện vật trong tủ kính vài chục phút rồi đi thì phí quá. Hãy đưa họ dạo chơi trên Gò Ma Vương - “nghĩa trang cổ nhất nước”. Sau đó họ xuống du thuyền bơi quanh đầm ngắm bãi bờ làng mạc. Mình sẽ nói với họ là người Sa Huỳnh cổ từng sống quanh đây, tắm táp, câu cá, nấu ăn, đốt lửa, nhảy múa… quanh cái đầm này".
Tôi coi ti vi thấy du lịch nước ngoài có nơi cũng thường thôi nhưng họ giỏi quảng bá để lấy tiền thiên hạ. Tôi nghĩ “tư duy” văn hóa – du lịch của vợ chồng anh khá sắc sảo.

Lưỡi cuốc bằng đá (ngoài cùng bên phải) tự xê dịch dù nhiều lần được sắp cùng hàng với 3 vật còn lại

Bảo vệ… cãi chuyên gia chuyện đồ vật tự nhiên xê dịch

Chủ nhật, anh Rồi tưới cây xong, tắt mô tơ, rủ tôi về nhà chơi. Nhà anh cách nhà trưng bày khoảng hơn trăm mét, nhỏ như cái buồng (phòng - PV), nhưng sân thì rộng và rợp mát nhờ cây nhãn cổ thụ. Tôi khen mấy luống hoa giấy đỏ tươi, hồng phớt thật đẹp. Anh nói nhà thiếu hoa như trà thiếu hương. Bàn đá kê ngoài hiên. Cạnh đó là cái ti vi “sê ri đời đầu” âm thanh rột rẹt, hình ảnh mờ nhòe. Anh nháy tôi: “Làm chút rượu nghen”. Tôi xua tay nói nóng quá rồi mở cốp xe lấy mấy lon bia. Đây là “âm mưu” của tôi để cuộc nói chuyện với anh Rồi thêm đậm đà, phấn chấn.
Chị Cảnh hỏi tôi có “tâm linh” không. Tôi ừ à, không dứt khoát. Chị nói nhà trưng bày này có chuyện “hay” lắm, toàn đồ của người chết, mình đào lên để trong tủ kính chắc gì “họ” không về thăm? Chồng chỉnh vợ ngay, bà phải nói là đồ tùy táng được khai quật. Ai lại nói “đồ của người chết”, lại còn “đào” lên. Mấy ông khảo cổ nghe được họ la đó.

Vòng dây chuyền bằng vỏ ốc có 5 hạt tự xoay ngang

Rồi vợ chồng thay nhau kể mấy chuyện “hay”: Bốn lưỡi cuốc bằng đá được xếp hàng ngang nhưng sau đó một lưỡi tụt xuống thấy rõ. Sợi dây chuyền bằng vỏ ốc xếp dọc theo hình tròn nhưng năm hạt cứ quay ngang. Hay là… “chủ cũ” về thăm, cầm đồ lên chơi rồi để lại không đúng vị trí ban đầu?
Anh Huỳnh Chí Cường, phụ trách nhà trưng bày, mở lồng kính xếp lại như cũ. Được ít lâu, những hiện vật vừa kể vẫn tự xê dịch. Xếp đi xếp lại ba lần vẫn vậy. Anh Cường nói nhứt quá tam, không xếp lại nữa. Ngại lắm! Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng Quảng Ngãi) nói những chuyện như vậy có khi làm cho nhà trưng bày thêm… hấp dẫn.
Hỏi chuyên gia khảo cổ người Pháp về “chuyện lạ” này, ông ta nói (qua thông dịch viên) đó là do rung chấn của quả đất. Anh Rồi “cãi”, rung thì rung đều chứ sao chỉ có mấy hiện vật đó đổi vị trí còn hiện vật bên cạnh thì không? Ông chuyên gia im lặng hồi lâu, nói cái này có lẽ phải giải thích bằng… tâm linh.

Hỏi nhiều là… biến

Anh chị thật là “thuận vợ thuận chồng”, đi cùng đi, về cùng về. Vợ quét dọn, lau chùi nhà cửa mướt mồ hôi thì chồng nhảy vào phụ giúp. Chồng “cai quản” tài sản, chăm sóc sân vườn không xuể thì đã có vợ chạy tới chung tay. Tôi đùa, vợ chồng anh là “bảo - tạp bất phân” (ai bảo vệ, ai tạp vụ không phân biệt được). Lúc đầu anh ngớ người, không hiểu. Tôi giải thích, anh cười tít mắt, nói nhà báo “nho” dữ ha!

Anh Rồi đang… thuyết minh cho khách tham quan

Tôi ái ngại về lương tháng hơi bèo của anh chị. Chị Cảnh cười nhẹ. Còn anh Rồi thì nói như không: “Kệ! Có đồng ra đồng vô là quý rồi. Con cháu ở xa điện hỏi thăm, mình nói làm ở cơ quan văn hóa tụi nó cũng… kính nể”.
Nhớ lần đầu gặp, anh Rồi đã hóm. Anh nói tôi tên Rồi, nhưng chỉ mỗi chuyện lấy vợ là… rồi. Còn “chưa” thì nhiều lắm. Chưa có nổi căn nhà cấp bốn. Chưa có cái ti vi “được được” coi cho sướng mắt. Chưa có cái bếp ga cho vợ đỡ cực… Có bữa đáo về nhà làm miếng cơm, tính ngã lưng xíu nhưng sực nhớ nhà trưng bày chưa gài chốt cửa, chưa rào mấy cây mới trồng, chưa đậy cái mô tơ, chưa kiểm tra ổ khóa cổng… Lại chạy đi!
Chị Cảnh nói hằng ngày quét dọn lau chùi cái nhà trưng bày rộng thênh thang, tuổi này cũng đau lưng mỏi gối lắm. Nhưng nhìn “nhà mình” gọn gàng sạch sẽ nên thấy cũng vui. Anh Rồi thì khoe: Ngắm từng tủ kính đựng hiện vật sáng trưng, không hư hao mất mát là mừng rồi. Khách khen quanh nhà trưng bày hoa lá xanh tươi, tôi mừng còn hơn nhận giấy khen “Gia đình văn hóa”. Nói thiệt, làm việc ở đây vợ chồng tôi như được “bồi dưỡng chữ nghĩa”, thấy hạnh phúc lắm. Nên dù là ngày nghỉ cuối tuần, ở nhà chặp lát, thấy nhơ nhớ, tui xỏ áo lên nhà trưng bày. Ngó phía sau, thấy bả cũng lọ mọ theo tôi.

Vợ chồng anh Rồi (bên trái) cùng khách tham quan

Tuổi thơ của anh chị đều nghèo nên dù ham học cũng phải nghỉ từ năm lớp 6. Vậy nên bây giờ hai vợ chồng khát khao kiến thức, rất mê... văn hóa. Anh Rồi kể anh và vợ từng làm… thuyết minh. Có gì đâu! Mỗi lần cán bộ văn hóa về họp hành, tôi với bà xã lăng xăng phục vụ trà nước rồi “nghe lỏm”. Mấy ổng nói về mộ chum, tục tùy táng, thời kỳ đồ đá, công cụ lao động, đồ trang sức của người Sa Huỳnh cổ… Chuyện gì cũng hay. Hai vợ chồng lắng nghe nhiều lần rồi thuộc luôn. Có khách, anh chị đứng xớ rớ, chờ ai hỏi là tranh thủ “thuyết minh” liền. Khách gật đầu, ra vẻ thấu hiểu là anh chị sướng rơn.
Một lần, anh Rồi rỉ tai tôi: “Họ chỉ nhờ giải thích mấy cái dễ dễ. Chứ gặp khách hỏi nhiều để hiểu sâu thì vợ chồng bấm nhau… biến ngay”.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020