Chuyên mục  


Sau 90 phút diễn ra trận tứ kết 1 giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản, tiếng còi trọng tài vang lên, tuyển Việt Nam nhận thất bại 0 - 1 trước ứng cử viên vô địch Nhật Bản, hàng triệu CĐV đã khóc. Có người khóc vì chúng ta đã dừng bước, đã không thể tiếp tục giấc mơ làm nên điều kỳ diệu tại Asian Cup. Nhưng cũng giọt nước mắt hạnh phúc, niềm tự hào sau tất cả những gì mà tuyển Việt Nam đã thể hiện, không phải chỉ trong trận đấu này, giải đấu này mà trong suốt một năm qua, làm sống lại tình yêu bóng đá của hàng triệu NHM Việt Nam.

Ảnh: Sport5

"Chúng ta đã cố gắng hết sức, tại sao lại cúi đầu? Đó là câu nói khích lệ đội tuyển U23 Việt Nam của HLV Park Hang-seo gần 1 năm trước khi chúng ta đã để thua đội tuyển U23 Uzbekistan ở phút thứ 119 của trận chung kết U23 Châu Á. Khi ấy, lứa cầu thủ Công Phượng, Quang Hải hay Xuân Trường, Duy Mạnh, Tiến Dũng... đã bật khóc khi để thua ở những giây cuối cùng. Chỉ thiếu một chút may mắn nữa thôi, chúng ta có thể thắng, có thể khép lại hành trình chinh phục chiếc cúp vàng danh giá. 

Thường Châu đầy tuyết trắng, nơi các cầu thủ đã thể hiện một tinh thần tuyệt vời, ôm choàng lấy nhau sau siêu phẩm của Quang Hải vào lưới Uzbekistan.

Tại sao chúng ta phải cúi đầu khi đã cố gắng hết sức? Vị thuyền trưởng của đội tuyển Việt Nam đã hỏi các cầu thủ, tại sao lại cúi đầu gục khóc khi mà những gì các cầu thủ làm được đã quá đỗi phi thường. Hãy nhìn xem, từ một đội bóng được xem là lót đường tại vòng bảng khi đối đầu với Hàn Quốc, Úc, Syria đã hiên ngang đánh bại lần lượt các ông kẹ của bóng đá châu Á để thẳng tiến vào chung kết?

HLV Park Hang-seo được các cầu thủ U23 Việt Nam công kênh ăn mừng chiến thắng kỳ diệu trước U23 Qatar ở bán kết U23 châu Á.

Dù không thể chiến thắng Uzbekistan nhưng tại Thường Châu, hình cảnh các cầu thủ chạy dưới trời mưa tuyết, gồng mình để chống trả những đợt tấn công của đối thủ khiến người hâm mộ xúc động, vừa thương xót, vừa tự hào.

Và cũng chính từ bước ngoặt lịch sử ấy, các cầu thủ U23 đã làm khơi dậy tình yêu bóng đá của NHM Việt Nam, nơi mà cách đó vài tháng trước, những kết quả tệ hại của Seagames làm nản lòng công chúng. Tháng 1/2018 có lẽ là cột mốc đáng nhớ nhất của bóng đá Việt Nam khi hàng triệu, hàng triệu người hâm mộ đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng, đón các cầu thủ trở về nước sau chiến tích vẻ vang giành được tại U23 châu Á. Và sau đó, đáp lại sự kỳ vọng của NHM Việt Nam, các cầu thủ đã làm được những gì?

Ảnh: Sport5

Biển người rợp cờ đỏ sao vàng cổ vũ đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết với Malaysia.

Với đội hình U23 + 3, Olympic Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử Asiad đã vượt qua vòng đấu bảng với tư cách nhất bảng, vượt qua cả Olympic Nhật Bản đầy thuyết phục. Bước vào vòng 1/8 và tứ kết, Olympic Việt Nam lần lượt chạm trán rồi đánh bại với hai đối thủ mà chúng ta không thể xem thường: Olympic Bahrain và Syria. Đến bán kết, trước sự xuất sắc của Hàn Quốc, các cầu thủ của chúng ta đã dừng bước với siêu phẩm sút phạt đẹp mắt mà Minh Vương mang lại (1-3). Tuy không thể giành lấy tấm HCĐ đầu tiên khi để thua trận đấu còn lại, nhưng với những gì mà tuyển Olympic Việt Nam thể hiện, đáng để tự hào.

Khát khao cống hiến đến cháy bỏng của Minh Vương khi là người duy nhất ghi bàn vào lưới Olympic Hàn Quốc trong trận bán kết Asiad 2018.

Vùng vẫy tại các sân chơi châu lục, tháng 11/2018, đội tuyển Việt Nam trở về AFF Cup với nhiệm vụ lần thứ 2 giành lấy chức vô địch sau 10 năm vắng bóng. Tất cả NHM đều đặt trọn niềm tin vào đội tuyển Việt Nam, vào lứa cầu thủ với những cái tên xuất sắc như Công Phượng, Văn Toàn, Văn Lâm, Quang Hải, Anh Đức... Và chúng ta đã không phải thất vọng.

Nếu như trước kia, một chiến thắng của tuyển Việt Nam phải mướt mồ hôi, công làm thủ phá thì những ai đã theo dõi hành trình AFF Cup của Việt Nam đều phải thừa nhận rằng chúng ta đã lớn dần lên cả về cách chơi bóng lẫn chiến thuật. Dưới bàn tay phù thủy của HLV Park Hang-seo và nỗ lực chơi cống hiến của toàn đội, tin được không khi cả một vòng đấu bảng với Lào, Malaysia, Myanmar rồi Campuchia, chúng ta không để thủng lưới bất kỳ một bàn nào.

Sự xuất sắc của Văn Lâm nơi khung thành là tiền đề vững chắc để các cầu thủ tự tin triển khai lối bóng đá phòng ngự tấn công quen thuộc tại sân chơi AFF Cup. Ảnh: Sport5

Quang Hải với Công Phượng, hai cầu thủ tài hoa luôn là đôi cánh của tuyển Việt Nam suốt một năm qua. Ảnh: Sport5

Tiến vào bán kết, 2 lần đối mặt với đội tuyển Philippines, bản lĩnh, sự lì lợm trong lối chơi một lần nữa được các cầu thủ thể hiện bằng 2 chiến thắng đầy thuyết phục. Và để rồi, chỉ vài ngày sau đó, hàng triệu CĐV Việt Nam lại đổ xuống đường ăn mừng chiếc cup vô địch lần thứ 2 sau 10 năm chờ đợi. Thắng Malaysia, chúng ta đã trả sòng phẳng món nợ mà đội tuyển này đã gây ra trong quá khứ. Và cũng để khẳng định rằng, Việt Nam đã trở thành một thế lực mới của bóng đá Đông Nam Á, nơi mà trước kia chỉ có Thái Lan mới dám vỗ ngực xưng tên.

Sau 10 năm dài chờ đợi, chiếc cúp vô địch Đông Nam Á một lần nữa xướng tên Việt Nam đầy tự hào. Ảnh: Sport5

Suốt một năm chiến đấu không ngừng nghỉ với mật độ thi đấu dày đặc từ cấp đội tuyển đến các lứa tuổi Olympic, U23, trong khi hàng triệu người dân Việt Nam tất bật để sắm sửa, trang hoàn nhà cửa để đón Tết Nguyên đán, một lần nữa, với sứ mệnh của mình, 23 cầu thủ Việt Nam cùng BHL đã lên đường sang UAE để chinh phục những thử thách mới: VCK Asian Cup - một giải đấu danh giá quy tụ tất cả các đội bóng mạnh nhất châu lục tranh tài, giải đấu 4 năm mới diễn ra một lần. Nhắc đến Asian, không ít người hâm mộ Việt Nam đều hiểu, đó là bầu trời rộng, và trước khi mùa giải bắt đầu, ít ai dám tin rằng Việt Nam có thể đi xa, tiến sâu vào giải đấu.

Ngay cả những người lạc quan nhất, việc vượt qua vòng bảng với đội tuyển Việt Nam đã là một thành công ngoài mong đợi. Đối đầu với 2 ông kẹ của bóng đá châu Á là Iraq và Iran, nơi trình độ và đẳng cấp chênh lệch một cách rõ nét nhưng Việt Nam đã đánh bật sự quan ngại từ chính những CĐV của mình. Trận thua đầy tiếc nuối 2-3 trước Iraq hay một kết quả thua không quá đậm trước Iran đã trở thành bước đệm hoàn hảo cho chiến thắng thuyết phục Yemen 2-0, để lọt qua khe cửa hẹp, trở thành 1 trong 4 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất vòng bảng bước vào vòng 1/8.

Sau loạt sút penalty cân não, Việt Nam đã lọt vào tứ kết Asian Cup khi thắng Jordan 4-2. Ảnh: Sport5

Chạm trán Jordan, một đối thủ bất bại tại vòng bảng, là đội khiến cho ĐKVĐ Úc nhận thất bại cay đắng, Việt Nam đã thể hiện một lối chơi ngoan cường. Bị đội bàn dẫn bàn trước rồi vùng lên tấn công mạnh mẽ trong hiệp 2. Tưởng rằng khi Công Phượng đã gỡ hòa 1-1, Việt Nam sẽ lùi sâu về phòng ngự, như cái cách mà những đội bóng cửa dưới thường làm khi đối đầu trực tiếp, là đổ bê tông trước khung thành. Nhưng không, Việt Nam không làm vậy, các học trò của HLV Park Hang-seo không chơi theo cái cách mà người ta thường nghĩ. Chúng ta đã tấn công, dồn ép đối phương và liên tục tạo ra các cơ hội rõ rệt. Chỉ cần một chút may mắn thôi, chúng ta đã làm nên chuyện.

Trải qua suốt 120 phút bóng lăn, cảm xúc hồi hộp lại đến với hàng triệu CĐV Việt Nam. Vẫn là loạt sút penalty định mệnh, nơi mà gần 1 năm trước, chúng ta đã vượt qua Iraq rồi Qatar để bước vào trận chung kết với thủ môn xuất sắc Bùi Tiến Dũng; thì ở trận đấu này, cái tên Văn Lâm đã chứng tỏ tại sao anh đang là thủ thành số 1 của Việt Nam khi liên tục nhảy múa trước khung thành, cản phá thành công penalty của đội bạn. Để rồi một lần nữa, chúng ta góp mặt ở tứ kết một giải đấu châu lục. Có phải đã quá kỳ diệu rồi không?

Văn Lâm mừng chiến thắng cùng các đồng đội. Ảnh: Sport5

Gặp Nhật Bản, những chiến binh đến từ xứ sở hoa anh đào, đội bóng vào tứ kết của kỳ World Cup 2018, Việt Nam vẫn bằng tinh thần đó, chiến đấu một cách quật cường.

Chúng ta bị đánh giá yếu hơn Nhật Bản về mọi mặt, từ thứ hạng trên FIFA đến thành tích thi đấu. Sự chênh lệch về tổng giá trị đội hình khi mà theo tính toán của Transferrmarkt, giá trị đội hình Nhật Bản gấp 265 lần đội tuyển Việt Nam. Một con số đáng để chúng ta phải suy ngẫm?

Nhưng chúng ta đã làm gì? Chúng ta chơi sòng phẳng với Nhật. Những ai theo dõi suốt 90 phút bóng lăn đều phải trầm trồ thán phục khi các cầu thủ của chúng ta chạy không biết mệt mỏi, lên công về thủ trước sức ép mà Nhật Bản gây ra. Nếu may mắn hơn, chúng ta đã có bàn thắng sau những pha bóng ngon ăn mà Công Phượng, Quang Hải tạo ra.

Bóng đá là vậy, chỉ ít phút sau bàn thắng không hợp lệ của Nhật Bản khi trọng tài áp dụng công nghệ WAR, thì chính vài chục phút sau đó, công nghệ này đã khiến tuyển Việt Nam chịu một quả penalty trực tiếp sau pha phạm lỗi của Bùi Tiến Dũng.

Kết quả 1-0 dành cho Nhật Bản và đó cũng chính là tỷ số cuối cùng của trận đấu. Việt Nam đã dừng chân tại tứ kết Asian Cup, khép lại hành trình đầy kỳ diệu của mình. Sau trận đấu, chẳng ai nhắc đến pha phạm lỗi của Tiến Dũng dẫn đến bàn thua hay bất cứ một lời phàn nàn nào từ chính những cầu thủ đang thi đấu trên sân.

Vì sao ư? Bởi vì họ đã quá xuất sắc, có gì đáng để chê trách khi mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của các cầu thủ đã đổ xuống, họ chiến đấu với 200% sức lực để mang lại màu cờ sắc áo cho tổ quốc. Nếu không có những pha cứu thua xuất thần của Văn Lâm, sự chắc chắn từ Quế Ngọc Hải - Bùi Tiến Dũng hay sự lăn xả của Văn Hậu, Việt Nam làm sao trụ được trước cơn lốc xanh do Nhật Bản tạo ra. Và nếu như không có những cầu thủ tấn công, sự nhanh nhẹn của Công Phượng, Quang Hải, Văn Đức, Trọng Hoàng, sao Việt Nam có thể tạo ra một thế trận "ăn miếng trả miếng" được với Nhật Bản. Chúng ta đã cố hết sức, sao lại phải cúi đầu?

Khép lại hành trình Asian trong niềm tự hào xen lẫn chút tiếc nuối. "Chiến đấu như vậy là giỏi lắm rồi, về nhà ăn Tết thôi các em" là dòng trạng thái được cộng đồng mạng sử dụng nhiều nhất để nói về các chàng trai Việt Nam. Họ đã chiến đấu hết sức, hãy về đây, về với quê hương Việt Nam yêu dấu, nơi hàng triệu trái tim đang dang rộng vòng tay để chào đón những người hùng trở về.

Kết thúc hành trình Asian Cup 2019 để mở đầu cho một hành trình mới tuyệt vời hơn của bóng đá Việt Nam. Cố lên các chàng trai, đã đến lúc nghỉ ngơi để chinh phục những tầm cao mới. Về ăn Tết thôi nào!

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020