Chuyên mục  


Quả mây Thái

Cách đây vài năm, mây Thái đã gây sốt khi xuất hiện ở Sài Gòn, Hà Nội bởi hình thù lạ mắt của mình. Mây Thái còn có tên khác là quả mây gai hoặc mây sa lắc với đặc trưng là có màu nâu đỏ, hình xoan nhọn hai đầu và lớp vỏ có vảy như loài bò sát.

Được biết, mây Thái có nguồn gốc từ Thái Lan nhưng ở Việt Nam, nơi có mặt sớm nhất lại là An Giang. Đến nay, dù trào lưu mây Thái ở thành phố lớn ít nhiều thoái trào, thì khi đến An Giang, bạn vẫn dễ dàng tìm thấy những quầy bán mây Thái.

Vị đặc trưng của mây Thái là chua, nhưng đi kèm với đó là sự mọng nước và chút ngọt hậu nên với những tín đồ mê của chua, mê ăn vặt, đây thực sự là món ăn vặt ngon quên lối về.  Đặc biệt khi mây Thái chấm kèm muối hoặc lắc muối tôm ớt thì món ăn lại càng hấp dẫn hơn cả. Ngoài ra mây Thái cũng có giống ngọt, vị thiên về chua chua, ngòn ngọt rất dễ ăn. Cũng vì thế, mây Thái là lựa chọn mua về  làm quà của nhiều người khi đến An Giang.

Quả cà na

Cà na từng là loại quả mọc hoang không có giá trị kinh tế của miền Tây, nhưng sau này khi được giới học sinh, sinh viên thành phố mê ăn vặt ưa chuộng, đây lại là đặc sản kiếm ra tiền của nhiều người. Nơi nhiều cà na nhất ở miền Tây phải kể đến vùng Châu Đốc, An Giang.

Cà na có hình bầu dục, nhìn hơi giống quả trám ở miền Bắc, trái non, vừa có màu xanh, trái chín sẽ ngả sang màu vàng. Nhưng dù xanh hay vàng đều có thể chế biến thành nhiều món ăn vặt được ưa thích như cà na muối, cà na sên đường, mứt cà na, cà na ngâm nước mắm hay cà na đập. Trong đó được ưa thích nhất phải kể đến cà na đập khi ở nhiều khu chợ, đặc biệt là chợ Châu Đốc, có những quầy bán món này.

Cà na đập phải chọn trái vừa phải, vừa non, không quá chín sau đó qua nhiều công đoạn đập dập, rửa, để ráo rồi trộn với đường, muối, ớt mới cho ra thành phẩm. Bù lại, cà nà đập có vị chua chua, ngòn ngọt lại hơi chan chát khiến người ta không thể không ứa nước miếng thèm thuồng khi đã từng nếm thử.

Thốt nốt

Nhắc tới An Giang, chắc chắn phải nhắc đến loại trái vô cùng đặc trưng này khi thốt nốt hiện diện mọi nơi ở An Giang. Trái thốt nốt mọc thành chùm, vỏ màu tím, khá cứng, phải dùng dao nạy mới bỏ được vỏ và lấy được thịt trái bên trong.

Trái thốt nốt cần nhiều công đoạn sơ chế, bỏ vỏ cứng và lớp màng bên ngoài mới có thể ăn được. Thịt thốt nốt màu trắng ngà, có độ giòn, dẻo đặc trưng nhưng vị nhạt nên thường được cho thêm đường tẩm ướp cùng khi chế biến thành đồ uống hay đồ ăn. Trái thốt nốt thường được dùng nhất trong các món nước thốt nốt hay thốt nốt ăn kèm sữa.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020