Sáng 15/12, Viện tế bào gốc (trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM) phối hợp các đối tác tổ chức chung kết cuộc thi Sáng tạo tế bào gốc lần 9 dành cho học sinh, sinh viên.
Vượt qua 9 đội thi, ý tưởng dùng tế bào gốc phục hồi mắt bị đục thủy tinh thể của ba nữ sinh Đặng Thiên Hương (trường Đinh Thiện Lý, quận 7), Mai An (trường quốc tế Bắc Mỹ, Đồng Nai) và Nguyễn Vũ Hà Anh (trường quốc tế Canada, quận 7) giành giải nhất.
Giải pháp của nhóm là tạo ra một thủy tinh thể tự nhiên bằng cách sử dụng tế bào gốc từ phôi thai người bằng công nghệ kỹ nghệ mô sử dụng tế bào gốc và các khung ngoại bào, hợp chất cao phân tử. Dung dịch chứa tế bào gốc sau khi tạo thành được tiêm vào mắt giúp tạo ra thủy tinh thể mới. Đây là cách tiếp cận định hướng phát triển sản phẩm hỗ trợ bệnh nhân liên quan thoái hóa thị giác.
Ba nữ sinh lớp 11 với ý tưởng ứng dụng tế bào gốc trị bệnh đục thủy tinh thể thắng giải Sáng tạo tế bào gốc năm 2024. Ảnh: Hà An
Ý tưởng đến khi ông nội của Hà Anh, mắc bệnh đục thủy tinh thể, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt vì thị lực giảm sút. "Ông có sở thích thêu vốn cần sự khỏe mạnh đôi mắt nên để nhóm muốn tìm giải pháp giúp ông và nhiều người khác", Hà Anh nói.
Trưởng nhóm Đặng Thiên Hương chia sẻ, bắt đầu học và tìm hiểu về tế bào gốc từ năm lớp 9. Với bệnh đục thủy tinh thể, Hương nhận thấy phương pháp phẫu thuật hiện tại còn hạn chế như người bệnh có thể bị chảy máu, nhiễm trùng và khả năng tái phát bệnh. Mắt người sau phẫu thuật cũng không khôi phục hoàn toàn để làm những việc yêu cầu tập trung thị lực cao. Nhóm nhận thấy tế bào gốc có thể giúp tình trạng đục thủy tinh thể có thể dứt điểm, giảm nguy cơ tái phát.
Theo PGS.TS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện tế bào gốc, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, nhóm sử dụng tế bào gốc từ phôi thai người, liên quan đến vấn đề đạo đức trong y khoa, có thể khó khả thi. Tuy nhiên, nhóm đã đặt vấn đề khi làm thực tế sẽ sử dụng tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPSC) tương tự tế bào gốc phôi người nhưng được tạo ra nhân tạo. "Chúng tôi đánh giá rất cao vốn kiến thức sâu rộng của nhóm với ý tưởng thay thế tế bào gốc từ phôi người mà không vi phạm đạo đức", PGS Phúc nói. Phương pháp này từng đoạt giải Nobel năm 2012.
PGS Phúc cho rằng, mặc dù chỉ là ý tưởng nhưng thể hiện kiến thức sâu về chuyên ngành trong trình độ của học sinh cấp ba. Từ ý tưởng để đến bước tiếp theo nhóm cần nuôi cấy được tế bào gốc, chế tạo hỗn hợp tiêm vào mắt. Đây là hướng đi không dễ dàng và cần rất nhiều công sức nghiên cứu.
Sơ đồ ý tưởng trên poster của nhóm về quy trình phát triển tế bào gốc trị đục thủy tinh thể. Ảnh: Hà An
Ban tổ chức trao giải nhì trị giá 20 triệu đồng và giải ba trị giá 10 triệu đồng lần lượt cho các ý tưởng của sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM ứng dụng tế bào gốc hỗ trợ trị bệnh suy giảm trí nhớ (Alzheimer) của nhóm sinh viên trường Đại học Quốc tế và ý tưởng ứng dụng tế bào gốc điều trị bệnh thoái hóa khớp của nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Các giải khuyến khích trị giá 2 triệu đồng thuộc về các ý tưởng ứng dụng tế bào gốc trong trị bệnh đái tháo đường, suy thận mạn tính, cải thiện thính lực, phục hồi lão hóa đường ruột...
Sáng tạo tế bào gốc là cuộc thi thường niên dành cho học sinh và sinh viên cả nước. Cuộc thi năm nay thu hút 310 đội thi với gần 850 thí sinh từ 80 trường đại học, THPT tham gia. Chủ đề năm 2024 "Tế bào gốc và lão hóa" cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng giúp con người sống khỏe mạnh và trường thọ hơn bằng tế bào gốc. Để giúp các nhóm từng bước hiện thực hóa ý tưởng, Ban tổ chức phối hợp với các trung tâm ươm tạo, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chuyên gia để các nhóm có điều kiện thực hiện nghiên cứu tiếp theo.
Hà An