Theo các tư liệu, năm 1896 hãng xây dựng tư nhân Bogaert xây dựng xí nghiệp vôi nước Long Thọ. Nhà máy đặt ở chân đồi Long Thọ trên bờ sông Hương nằm giữa làng Nguyệt Biều và làng Dương Xuân (nay phường Thủy Biều và phường Phường Đúc, TP Huế). Ảnh Cty CP Long Thọ.
Công suất đầu tiên của nhà máy là 10.000 tấn vôi/năm, với 5 lò nung, theo công nghệ kiểu lò đứng. Trải qua thời gian hoạt động với nhiều thăng trầm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định di dời nhà máy này ra khỏi TP Huế - nơi ưu tiên cho phát triển du lịch, bảo tồn di sản văn hóa.
Đến năm 2021 việc di dời nhà máy xi măng Long Thọ đến Cụm Công nghiệp Thủy Phương (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) hoàn thành.
Sau khi phần lớn các hạng mục được dời đi, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh xây dựng hàng rào bảo vệ, hạn chế người dân ra vào khu đất nhà máy xi măng Long Thọ cũ.
Khi đi khảo sát khu vực này, ông Phan Ngọc Thọ, thời điểm đó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay đã nghỉ hưu) đề nghị các đơn vị liên quan tiếp nhận hiện trạng, có phương án quản lý, bảo vệ phù hợp. UBND TP Huế lên phương án cải tạo, chỉnh trang cảnh quan, phát huy giá trị của nhà máy xi măng Long Thọ như một dấu tích lịch sử về thời phát triển công nghiệp sơ khai.
Theo quan sát, hiện nay trong khuôn viên nhà máy xi măng Long Thọ vẫn còn một tháp nước và hệ 5 lò nung vôi cổ xưa gắn với tháp chuyển vật liệu.
Tuy nhiên, hệ 5 lò vôi này hiện xuống cấp nghiêm trọng, do đó cần có phương án bảo tồn kịp thời.
Liên quan vấn đề này, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã báo cáo UBND tỉnh về việc chỉnh trang, cải tạo một số hạng mục trong khu nhà máy xi măng Long Thọ cũ.
Theo Sở Xây dựng, trong khuôn viên khu đất nhà máy xi măng Long Thọ cũ hiện nay còn các công trình tháp nước và hệ 5 lò vôi gắn với tháp chuyển vật liệu. Trong đó, đối với công trình hệ 5 lò vôi, UBND TP Huế đề xuất do đây là công trình kiến trúc tiêu biểu cho thời kỳ đầu ngành công nghiệp tỉnh nên xin giữ lại.
Việc lập phương án chỉnh trang, cải tạo công trình này nhằm không để nhếch nhác, mất mĩ quan giữa lòng đô thị đang không ngừng phát triển. Đặc biệt, sẽ giúp phát huy giá trị lịch sử để qua đó giới thiệu đến người dân và du khách.
Video: Cận cảnh hệ 5 lò vôi trăm tuổi mà Huế muốn bảo tồn.
GĐXH - Dự án đầu tư xây dựng trung tâm bảo tồn gene và phát triển giống bò Mông tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn sau 5 năm triển khai chỉ xây dựng được trụ sở văn phòng làm việc, nhà xưởng và khu chuồng nuôi nhốt bò,... cho đến khi bị khai tử.