Chuyên mục  


Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Khối Viễn thông, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết các đơn vị trong Khối Viễn thông, bao gồm cả các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, đã đi qua một năm khó khăn do đại dịch Covid-19, cả trong việc nước và việc nhà.

Bộ trưởng cũng nhận định rằng lĩnh vực viễn thông cần có sự đổi mới lần hai. Hạ tầng viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số. Hạ tầng cho người thành hạ tầng cả cho vật, hạ tầng cho IoT. Hạ tầng số thì có thêm 3 từ khóa quan trọng: Cloud Computing, Digital Platform và As Service. Lấy tinh thần đổi mới lần một để thực hiện đổi mới lần hai. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết Khối Viễn thông (Ảnh: Mic.gov.vn).

"Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, công nghệ phải hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, quyết sách sáng suốt có tầm nhìn xa, huy động mọi nguồn lực của thị trường, điều hành quyết liệt, và qua thử thách này mà hình thành một thế hệ cán bộ giỏi cho đất nước", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, hai không gian mới quan trọng nhất cho viễn thông là Cloud Computing và Digital Platform. Hai không gian này đều đang có tốc độ tăng trưởng hàng năm 15-20%, trong khi viễn thông chỉ tăng trưởng 1-2%. Đến 2025, quy mô của mỗi thị trường này sẽ tương đương viễn thông.

Bên cạnh đó, viễn thông phải giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài trong năm 2022. Đó là các loại rác viễn thông: SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác. Giải quyết được các loại rác này thì viễn thông mới trở thành hạ tầng cho thanh toán điện tử, cho kinh tế số.

"Viễn thông thay vì đi theo thì từ nay phải đi đầu. Đi trong nhóm đầu về phát triển 5G và 6G: Phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc, khởi động nghiên cứu 6G, ngay trong năm 2022", Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đặt mục tiêu mạng viễn thông phải nhanh chóng chuyển sang Cloud-based và Software-based, để mạng viễn thông trở nên thông minh và linh hoạt, có thể cấu hình thành nhiều mạng con chuyên dùng bằng phần mềm. Công nghệ sử dụng là công nghệ mở, sử dụng Open RAN cho 5G, 6G.

"Thay vì dùng thiết bị nước ngoài thì dùng thiết bị trong nước. Nghiên cứu sản xuất thành công thiết bị 5G, 6G, thiết bị truyền dẫn, thiết bị đầu cuối. Ban hành tiêu chuẩn thiết bị viễn thông Việt Nam. Các nhà mạng khi đấu thầu mua sắm phải mời các doanh nghiệp sản xuất thiết bị trong nước", Bộ trưởng nói thêm.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020