Thiết kế của cây nhân tạo gồm nhiều lớp đĩa phủ hóa chất hút CO2. Ảnh: ASU
Được phát triển bởi Klaus Lackner, giáo sư kỹ thuật ở Đại học Arizona (ASU), cây nhân tạo có thể hút carbon dioxide (CO2) hiệu quả gấp hàng nghìn lần cây tự nhiên. Các cây đều dạng cột đĩa thẳng đứng, mỗi cây có đường kính 1,5 mét và đặt cách nhau 5 cm, được bao phủ bởi hợp chất hóa học. Hợp chất này hút CO2 từ không khí thổi qua mặt đất. Sau đó, CO2 được đổ vào thùng chứa và làm bay hơi trong môi trường kín.
Hiện nay, CO2 chủ yếu được lưu trữ và chưa có ứng dụng nào khác, dù nhiều dự án đang tìm hiểu cách tận dụng nguồn carbon này. Những dự án này bao gồm sử dụng CO2 để sản xuất nhiên liệu tổng hợp có thể dùng cho máy bay, giúp giảm nhu cầu về dầu khí.
Lackner đã lên kế hoạch mở 3 trang trại cây nhân tạo lớn. Trang trại đầu tiên sẽ mở cửa ở Arizona vào cuối năm nay với kinh phí hỗ trợ 2,5 triệu USD do Bộ Năng lượng cấp. Các trang trại được thiết kế và xây dựng bởi Trung tâm khí thải carbon thuộc ASU. Sau khi đi vào hoạt động, cả ba trang trại có thể hút 1.000 tấn CO2 mỗi ngày, góp phần đối phó biến đổi khí hậu.
Trong 200 năm qua, từ Cách mạng Công nghiệp, con người đốt nhiên liệu hóa thạch với số lượng ngày càng lớn, liên tục thải CO2 vào khí quyển. Đây là khí nhà kính cực mạnh và đang thải vào khí quyển với tốc độ nhanh hơn khả năng loại trừ CO2 của các nguồn tự nhiên như cây cối. Khi tích tụ trong khí quyển, khí CO2 giữ nhiệt lượng gần bề mặt, dẫn tới hiện tượng ấm lên toàn cầu.
An Khang (Theo Mail)