Chuyên mục  


Ý kiến được chia sẻ tại "Diễn đàn Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội" do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 29/9 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội. Diễn đàn tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 - Techconnect and Innovation Vietnam 2024, với chủ đề "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho rằng đây là cơ hội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, ý tưởng, tầm nhìn về các chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ông đề nghị hội thảo tập trungbàn về các chính sách quản lý công nghệ hiện tại và những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ trên thực tế; Cần góp ý cải thiện cơ chế, chính sách về thẩm định và chuyển giao công nghệ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các giải pháp công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng giá trị sản phẩm.

Thứ trưởng Minh cũng lưu ý các nhà khoa học, chuyên gia thảo luận về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.

Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Phạm Chiểu

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, trình bày tham luận chỉ ra các quy định, hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển giao công nghệ của Việt Nam ngày một hoàn thiện, trong đó có nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên quá trình triển khai cho thấy có những điểm cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cải thiện để tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp FDI. Qua đó thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ các doanh nghiệp FDI cho doanh nghiệp trong nước, góp phần đẩy mạnh lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI.

Theo đó ông Linh kiến nghị, Luật Chuyển giao công nghệ bổ sung quy định về việc thẩm định công nghệ đối với dự án chỉ thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. "Đây có thể là lỗ hổng trong chính sách quản lý nhà nước về công nghệ trong thời gian qua", ông Linh nói. Luật cần bổ sung quy định thẩm định công nghệ cho dự án đầu tư đang hoạt động theo đề nghị của nhà đầu tư, làm cơ sở phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư cũng như công tác quản lý nhà nước theo quy định pháp luật liên quan...

Ông Nguyễn Hoàng Linh trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Phạm Chiểu

Đối với hoạt động xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên theo quy định pháp luật về đầu tư, ông Linh đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định số 31/2021 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư để khắc phục tình trạng còn có nhiều cách hiểu khác nhau hiện nay, dẫn đến vướng mắc trong việc xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. Trong đó quy định đang không rõ ràng về đánh giá công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư hay công nghệ tạo ra máy móc, thiết bị.

Tại nghị định 31 có quy định không phù hợp thực tiễn khi quy định cứng máy móc, thiết bị có tuổi trên 10 năm là lạc hậu, trong khi không phải máy móc, thiết bị nào có tuổi trên 10 năm cũng là lạc hậu (nhất là các máy móc, thiết bị trong lĩnh vực ít có sự thay đổi nhanh về công nghệ như lĩnh vực cơ khí, chế tạo...).

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cũng nêu thực tế để thấy vai trò của hoạt động thẩm định công nghệ, những thuận lợi, khó khăn trong chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp cũng như dự án đầu tư...

Theo đó các kiến nghị từ doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn mong muốn bổ sung, hoàn thiện các quy định về thẩm định công nghệ, trong đó có nội dung thẩm định công nghệ mới tại Việt Nam. Cần sớm ban hành Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0" và đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ của Chương trình này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero của Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng đề xuất bổ sung, hoàn thiện các quy định ưu đãi về thuế, đất đai bảo đảm phù hợp thực tiễn cho hoạt động chuyển giao công nghệ.

Gian hàng giới thiệu công nghệ tại Techconnect and Innovation Vietnam 2024. Ảnh: Phạm Chiểu

Techconnect and Innovation Vietnam 2024 được tổ chức với quy mô quốc gia. Sự kiện gồm các hoạt động chính: 5 diễn đàn kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo (Diễn đàn chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Diễn đàn công nghệ ngành Xây dựng; Diễn đàn công nghệ ngành Y tế; Diễn đàn công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư công nghệ cao); Tọa đàm vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô; Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ năm 2024, kết nối cung - cầu công nghệ; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024.

Techconnect and Innovation Vietnam 2024 kế thừa thành công của các chương trình Techdemo (2011 - 2019) và Techconnect and Innovation Vietnam (2020 - 2024), là chương trình thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Tổ chức từ năm 2011 đến nay, Techconnect and Innovation Vietnam hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để chuyển đổi, ứng dụng tri thức và công nghệ vào thực tiễn; tạo cầu nối trực tiếp cho bên cung và bên cầu công nghệ trao đổi, thảo luận và tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác và hợp đồng chuyển giao công nghệ. Sự kiện trở thành diễn đàn để doanh nghiệp, chuyên gia thảo luận, chia sẻ thông tin tới các nhà hoạch định chính sách, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.

Minh Thư - Quỳnh Chi

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020