Chuyên mục  


Hoạt động phi lợi nhuận và chủ yếu hướng đến đối tượng yếu thế, các dự án cộng đồng của sinh viên dù đa số không có tuổi thọ dài, song hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực.

Đa dạng góc nhìn và hướng đi

Những năm gần đây, cùng với sự đổi mới phương pháp dạy và học, nhiều trường định hướng, tạo điều kiện cho sinh viên triển khai các dự án cộng đồng (community project) thay cho các bài kiểm tra cuối kỳ hoặc là một phần trong một số môn học. Tại Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, suốt 3 tháng học kỳ Pre-University, sinh viên có cơ hội ứng dụng những kỹ năng mềm đã học vào cuộc sống thông qua quá trình thiết kế và triển khai các dự án có ích cho cộng đồng.

Nhóm “Chạm” tin rằng dự án đã giúp phát huy sức mạnh đoàn kết, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng

Với tố chất năng động, sáng tạo, vận dụng khéo léo các kỹ năng mềm được trang bị như: giao tiếp, làm việc nhóm, quản trị thời gian, xử lý khủng hoảng…, các bạn trẻ đã biến nhiều ý tưởng thành hiện thực. Những dự án với các chủ đề phong phú đã đi vào thực tiễn. Có thể kể đến hoạt động mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí, lập kênh Podcast tuyên truyền kiến thức sức khỏe, vận động hiến máu, quyên góp quần áo cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, dạy thiếu nhi trò chơi dân gian để dần "cai nghiện" game online... và cả những ứng dụng nho nhỏ trên thiết bị thông minh để phục vụ việc học.

Tùy theo khả năng và mục tiêu cụ thể của từng nhóm mà dự án có quy mô khác nhau. Điều đáng trân trọng là tinh thần tôn trọng kỷ luật, nỗ lực vì việc chung. Sinh viên Lê Nguyễn Vân Nhi (ngành kỹ thuật hóa học) nói: "Vì đến từ những vùng miền khác nhau, học chuyên ngành khác nhau nên mỗi cá nhân đều mang đến góc nhìn mới lạ, có ý kiến riêng. Nhưng để đưa ra quyết định cuối cùng, phải đồng lòng đề cao tính khả thi và thông điệp mà dự án gửi gắm đến mọi người".

Một bệnh nhi say sưa vẽ lên túi vải – sản phẩm mà nhóm Chạm bán gây quỹ giúp các em

Trần Ngọc Phương Uyên (sinh viên năm nhất Trường ĐH Ngoại thương) là người sáng lập dự án "Chạm" - hướng đến các bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM). Lấy cảm hứng từ câu nói của danh họa Picasso: "Mỗi đứa trẻ đều là một nghệ sĩ, chỉ có điều chúng liệu có còn là nghệ sĩ khi đã lớn lên", "Chạm" là cầu nối mang những chiếc túi vải được các em nhỏ tô vẽ đầy sáng tạo đến tay người dùng. Bên cạnh gây quỹ từ việc bán túi, nhóm còn thông qua mạng xã hội, vận động nhiều tấm lòng thơm thảo mang niềm vui cho các bạn nhỏ kém may mắn.

Thời gian đầu, 13 thành viên của nhóm khá áp lực khi chưa cân đối được lịch học và hoạt động xã hội nhưng dần dà, đâu đã vào đó.

Mạnh dạn trải nghiệm và trưởng thành

Nguyễn Thanh Kim Ngân (sinh viên Trường ĐH Luật TP HCM) là thực tập sinh của Tổ chức Vina Capital Foundation. Vốn năng động, hoạt bát, Kim Ngân đã tham gia nhiều CLB từ những ngày còn học ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Hiện tại, Kim Ngân đang góp sức vào chương trình "Mở đường đến tương lai" - dự án do Vina Capital Foundation hợp tác cùng Quỹ Học bổng Vừ A Dính thực hiện, nhằm tạo điều kiện cho nữ sinh dân tộc thiểu số được nâng cao khả năng tiếp cận với giáo dục. Ngoài mang đến cơ hội cho nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn được hoàn thành các bậc học, chương trình còn khởi xướng CLB Nữ sinh Mở đường đến tương lai. Nhờ đó, các bạn nữ được mở rộng kiến thức về pháp luật, sức khỏe sinh sản, quản lý tài chính cá nhân, khám phá thế mạnh của chính mình, nâng cao sự tự tin...

Ngân đảm nhận vai trò hỗ trợ soạn bài giảng, sắp xếp thời khóa biểu, phát triển trang web và đăng tải bài học trực tuyến, lên ý tưởng tổ chức những sự kiện gắn kết các thành viên.

Kim Ngân cho rằng trong chặng đường gắn bó với dự án, bản thân thêm hiểu biết, tăng khả năng thích nghi, học hỏi kinh nghiệm, quan điểm của người đi trước và phong cách làm việc chuyên nghiệp...

Còn Phương Uyên tâm tình: "Trước đây, tôi rất sợ bệnh viện, luôn cảm thấy đó là nơi u buồn - chỉ có những mũi kim, thuốc đắng. Nhưng sau dự án, dường như không gian ấy được tô thêm sắc màu bằng nụ cười ngây thơ, suy nghĩ lạc quan của các bé. Chúng tôi cũng được thắp lên ngọn lửa hy vọng bởi các bác sĩ, y tá, điều dưỡng và các nhà hảo tâm đã không ngại vất vả mang yêu thương cho các em và hỗ trợ chúng tôi trong quá trình thực hiện dự án. Chúng tôi thêm chín chắn, biết cảm thông sâu sắc với bao mảnh đời bất hạnh". 

Ngày càng nhiều nơi khuyến khích sinh viên học hỏi và trải nghiệm thêm qua các hoạt động ngoài giờ học. ThS Hoàng Mi, Phó trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, cho biết đã lồng ghép hoạt động học tập phục vụ cộng đồng (service-learning) từ năm 2019 đến nay trong các môn tin và phóng sự, quan hệ công chúng nội bộ và cộng đồng. ThS Hoàng Mi kể: “Giảng viên sẽ cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sinh viên để ứng dụng vào việc phục vụ một cộng đồng yếu thế ở nơi nào đó mà nhà trường liên kết trước. Ban đầu, khi triển khai hình thức này, sinh viên và giảng viên đều đối mặt với một lượng công việc lớn hơn so với học theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là tôi chưa từng nghe sinh viên phàn nàn. Các em rất hào hứng đóng góp cho cộng đồng. Sinh viên trưởng thành rõ rệt không chỉ về mặt kiến thức, kỹ năng và còn là lòng thấu cảm giữa người với người. Dù việc tích hợp dự án phục vụ cộng đồng vào môn học không dễ nhưng chắc chắn trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục phương pháp dạy và học này”.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020