Mẫu thủy phi cơ AG600 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: China Daily
Trung Quốc bắt đầu các thử nghiệm xin cấp phép bay đối với mẫu máy bay lưỡng cư lớn nhất thế giới, AG600, đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành hàng không và hàng hải của nước này. AG600 do Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) phát triển, được thiết kế chủ yếu để tuần tra trên biển và phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu hộ, Interesting Engineering hôm 24/7 đưa tin.
Theo CGTN, Trung tân cấp phép bay của Cục Hàng không Trung Quốc phát giấy phép bắt đầu thử nghiệm Type Inspection Authorization (TIA) cho mẫu đầu tiên trong dòng thủy phi cơ lớn AG600. Cấu hình, điều kiện, khả năng bay và độ an toàn của mẫu máy bay đáp ứng các yêu cầu của TIA. Điều này cung cấp nền móng vững chắc cho máy bay AG600 đạt giấy chứng nhận đủ điều kiện bay.
Dòng máy bay lưỡng cư AG600 được phát triển như một phương tiện trên không tiên tiến thiết yếu giúp tăng cường khả năng cứu hộ khẩn cấp ở Trung Quốc. AG600 có cấu hình độc đáo bao gồm thân trên giống máy bay kết hợp thân dưới giống tàu thủy. Theo AVIC, đây là máy bay dân sự cỡ lớn dùng cho mục đích đặc biệt đầu tiên của Trung Quốc được phát triển độc lập. Phương tiện được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu cứu hỏa trong rừng, giải cứu trên biển và nhiều nhiệm vụ khẩn cấp khác. Trọng tâm của nhà phát triển tập trung vào khả năng hoạt động trên không và mặt nước, độ linh hoạt của nhiều mẫu và phát triển nối tiếp.
Nguyên mẫu của AG600 hoàn thành chuyến bay đầu tiên năm 2017, cất cánh lần đầu từ một hồ chứa nước năm 2018 và bay trên biển năm 2010. Thiết kế của AG600 là một phần trong mục tiêu của Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực hàng không với máy bay sản xuất nội địa, bao gồm máy bay vận tải Y-20 và máy bay phản lực chở khách C919. Theo chủ tịch AVIC là Qu Jingwen, AG600 có thể cất cánh và hạ cánh trên biển khi sóng cao 2 m và bay lơ lửng hai giờ. AG600 sử dụng động cơ turbine cánh quạt WJ-6 dựa trên dòng AI-20 của Liên Xô từ thập niên 1950.
AG600 dài 37 m, lớn tương đương Boeing 737 và có sải cánh 38,8 m. Thủy phi cơ có trọng lượng cất cánh tối đa 53,5 tấn và bay liên tục khoảng 4.500 km. Nó có thể hút 12 tấn nước từ hồ hoặc biển trong 20 giây, sau đó dùng lượng nước này dập cháy rừng.
An Khang (Theo Interesting Engineering)