Mô phỏng tiểu hành tinh bay gần Trái Đất. Ảnh: Astronomy Magazine
Wu Yanhua, phó giám đốc của CNSA, cho biết Trung Quốc đã bắt tay vào xây dựng một hệ thống phòng thủ chống lại tiểu hành tinh có nguy cơ đâm vào Trái Đất. Họ đặt mục tiêu quan sát gần tiểu hành tinh đe dọa Trái Đất và tiến hành một vụ va chạm để thay đổi quỹ đạo của nó vào năm 2025 - 2026. Đây là bước tiếp theo trong chương trình vũ trụ của quốc gia này, theo Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA).
"Chúng tôi sẽ bắt đầu cải tiến hệ thống theo dõi trên mặt đất và trong không gian cũng như hệ thống cảnh báo sớm tiểu hành tinh. Để thực hiện điều đó, chúng tôi cần soạn một danh sách và phân tích tiểu hành tinh nào có nguy cơ lớn nhất. Chúng tôi cũng cần nghiên cứu và khám phá để xem liệu có kỹ thuật phù hợp nào giúp loại bỏ mối đe dọa hay không", Wu chia sẻ.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ bắt đầu giai đoạn 4 của chương trình khám phá Mặt Trăng trong năm nay, bao gồm phóng tàu thăm dò Hằng Nga 6, 7 và 8 tới Mặt Trăng và xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế. Các dự án hàng không vũ trụ quan trọng của Trung Quốc cũng bao gồm lấy mẫu vật tiểu hành tinh gần Trái Đất, đưa mẫu đất đá sao Hỏa về Trái Đất và khám phá sao Mộc trong vòng 4 năm tới.
Chương trình khám phá Mặt Trăng mới nhất được thông qua vào cuối năm ngoái và tiến hành theo 3 bước. Các nhiệm vụ Hằng Nga 6, 7, và 8 sẽ cất cánh trước năm 2030. Wu cho biết mục tiêu chính là khám phá cực nam của Mặt Trăng nhằm xây dựng cấu trúc cơ bản cho trạm nghiên cứu. Nhiệm vụ Hằng Nga 6 sẽ tìm cách thu thập 1 - 2 kg mẫu vật, bao gồm mẫu đá đầu tiên, từ cực nam Mặt Trăng và mang về Trái Đất. Nhiệm vụ trước đó là Hằng Nga 4 đã đưa về 1,73 kg vật chất trên Mặt Trăng vào cuối năm 2020.
Nhiệm vụ Hằng Nga 7 sẽ hạ cánh ở cực nam của Mặt Trăng để khám phá và tìm kiếm dấu vết băng. Bước cuối cùng là nhiệm vụ Hằng Nga 8 sẽ khai thác các nguồn tài nguyên tại đây và thiết lập trạm nghiên cứu. Theo dự kiến, hai nhiệm vụ Hằng Nga 6 và 7 sẽ phóng vào khoảng năm 2025.
An Khang (Theo SCMP)