Chuyên mục  


Đối với những tín đồ trung thành của Apple, việc chi tiêu cho những thiết bị của hãng luôn tốn kém và đắt đỏ. Điều dễ nhận thấy là giá thành các sản phẩm của Táo khuyết luôn cao hơn so với đối thủ.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào khiến thiết bị của Apple dù đắt nhưng vẫn luôn được săn đón. Ngoài lợi thế về thương hiệu cao cấp và uy tín, các yếu tố khác như hệ sinh thái độc quyền, chính sách bảo mật, bình ổn giá… cũng là những yếu tố mang lại thành công cho gã khổng lồ công nghệ này.

Hệ sinh thái độc quyền

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hệ sinh thái của Táo khuyết với các hãng khác là những thiết bị của hãng phối hợp rất ăn ý. Lấy ví dụ iPhone và MacBook vốn là 2 thiết bị riêng lẻ, nhưng khi sử dụng cùng nhau, tính tiện dụng và trải nghiệm sẽ được nâng cấp và trôi chảy khi công việc có thể tiếp diễn dễ dàng giữa hai máy.

Mua thêm nhiều sản phẩm cộp mác Táo khuyết đồng nghĩa với việc người dùng đang tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái này và Apple lại càng được lợi. Do đó, có thể nói tính độc quyền trong hệ sinh thái chính là một yếu tố quan trọng giúp nâng giá thành sản phẩm của Apple. Người dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để nâng cấp trải nghiệm công nghệ và trang bị cho mình những thiết bị có khả năng đồng bộ tốt với nhau.

Mặt khác, điều này cũng sẽ giúp Apple giữ chân người dùng, qua đó sở hữu một lượng người dùng trung thành. Họ sẽ không ngại chi một số tiền lớn để được sử dụng những sản phẩm tân tiến nhất của Táo khuyết.

Càng lún sâu vào hệ sinh thái của Apple, người dùng sẽ càng chi nhiều tiền cho các sản phẩm của hãng. Ảnh: Getty Images.

Bền bỉ theo thời gian

Các sản phẩm của Apple có tuổi đời lâu hơn các đối thủ vì sở hữu phần cứng và phần mềm cao cấp. Những thiết bị này thường được thiết kế và gia công bằng những vật liệu cứng cáp như nhôm. Bên cạnh đó, hệ điều hành và các phần mềm bên trong máy cũng được tùy biến riêng để tận dụng toàn bộ sức mạnh phần cứng.

Nhờ đó, các sản phẩm đến từ Táo khuyết không chỉ đẹp mà còn bền bỉ và cho ra hiệu năng cao. Có thể thấy, cả phần mềm và phần cứng của hãng đã kết hợp với nhau nhằm mang đến trải nghiệm vượt trội cho người dùng.

Tiên phong trong đổi mới công nghệ

Một nguyên nhân khác khiến thiết bị Apple luôn có giá thành cao chính là bởi hãng liên tục đổi mới công nghệ. Bằng chứng chính là con chip M1 mới nhất được trang bị trên nhiều dòng sản phẩm. Thay cho CPU đến từ nhà Intel, Táo khuyết quyết định tự phát triển con chip “cây nhà lá vườn” của mình. Điều này không chỉ mang lại hiệu năng ấn tượng cho iPad và máy tính Mac mà còn trở thành cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Mặt khác, Steve Jobs từng cho rằng iPod sẽ là dòng sản phẩm khiến Apple thành công, có thể đi xa trong tương lai. Thực tế đã chứng minh suy tính của vị CEO lúc bấy giờ là hoàn toàn chính xác. Là sản phẩm mang tính mạo hiểm, iPod đã đưa Apple lên vị trí tiên phong về đổi mới trong Thung lũng Silicon.

Apple luôn tiên phong trong việc đổi mới công nghệ. Ảnh: Getty Images.

Do đó, ngày nay, để giữ vững ngôi vị của mình, gã khổng lồ công nghệ liên tục chi mạnh tay vào mảng nghiên cứu và phát triển công nghệ. Theo Statista, nguồn vốn đổ cho lĩnh vực R&D của Táo khuyết đã chạm mốc 20 tỷ USD.

Ưu tiên quyền riêng tư, bảo mật người dùng

Mặt khác, Apple không bán dữ liệu khách hàng để thu lợi nhuận như nhiều công ty khác. Tập đoàn công nghệ này thậm chí còn không cài đặt sẵn phần mềm theo dõi người dùng. Thay vì bán thông tin, Apple quyết định tính phí lên người dùng bằng những sản phẩm khác vì hãng cho rằng quyền riêng tư là vô giá, đặc biệt là trong bối cảnh các nhà quảng cáo ngày càng tìm cách theo dõi người dùng.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Apple hoàn toàn không theo dõi người dùng bởi hãng vẫn phải dùng những dữ liệu này để nâng cấp trải nghiệm dịch vụ và sản phẩm.

Tất cả đều miễn phí trên iOS và macOS

Apple luôn cập nhật hệ điều hành của mình mỗi năm một lần, đồng thời ra mắt các bản vá lỗi xuyên suốt cả năm. Điều này khác với Windows khi Microsoft luôn mất đến hàng năm trời để cập nhật và thường thu phí trong các ứng dụng có sẵn trong máy.

Với laptop Windows, người dùng buộc phải mua bộ Office Suite để sử dụng những công cụ dành cho công việc văn phòng hoặc thậm chí phải trả phí để nâng cấp lên bản mới nhất. Trong khi đó, nếu dùng macOS, người dùng sẽ được miễn phí cài đặt và cập nhật các ứng dụng Pages, Numbers và Keynote. Do đó, để duy trì các app miễn phí cho khách hàng, Apple buộc phải tính phí ở những khoản khác.

Phí quảng cáo và hỗ trợ người dùng

Thông thường, ngoài phụ thuộc vào các yếu tố như giá thành vật liệu, chi phí nhân công và phí sản xuất, giá sản phẩm bán ra còn bị ảnh hưởng bởi một khoản tiền dành cho quảng cáo và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Gã khổng lồ công nghệ luôn được biết đến với dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt. Ảnh: Reuters.

Trong đó, cửa hàng Apple Stores là một trong những cách Apple tiếp thị sản phẩm của mình với kiến trúc ấn tượng, đội ngũ chuyên viên đầy kinh nghiệm và trải nghiệm tương tác sản phẩm tuyệt vời. Mặt khác, bộ phận hỗ trợ của Apple cũng giúp người dùng liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật để sửa lỗi trên thiết bị và giải đáp các thắc mắc.

Bên cạnh đó, Apple vốn nổi tiếng với nhiều hoạt động quảng cáo ấn tượng. Điều này ảnh hưởng không ít đến giá thành sản phẩm của hãng.

Giữ giá tốt, bán lại dễ

Cuối cùng, một trong những điểm làm nên đặc trưng của Apple chính là giá bán lại các sản phẩm của hãng luôn giữ vững ở mức ổn định. Dù giá mua vào cao hơn nhưng các thiết bị Táo khuyết luôn giữ được giá trị và có thể bán lại với giá tốt khi người dùng không còn nhu cầu.

Bằng chứng là Samsung Galaxy S9 và iPhone X tuy cùng ra mắt vào năm 2018 với giá bán lần lượt là 700 USD1000 USD nhưng hiện S9 chỉ có giá 50-150 USD (14% giá trị ban đầu), trong khi một chiếc iPhone X đã qua sử dụng có thể trị giá 150-400 USD (27% giá trị ban đầu).

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020