Tàu Dayang đang được lắp ráp tại Quảng Châu, Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Video: CGTN
Theo đài truyền hình CCTV, Dayang được khởi đóng vào tháng 11/2021 và đến ngày 18/12/2022, phương tiện đã thành hình sau khi hoàn thành giai đoạn lắp ráp thân tàu.
Tàu Dayang do Trung Quốc độc lập thiết kế và chế tạo có lượng giãn nước 42.000 tấn, với khả năng khoan thăm dò ở vùng biển sâu hơn 10.000 m. Nó cung cấp hai chế độ hoạt động tương ứng cho mục đích khoan dầu khí và thám hiểm khoa học đại dương.
Trong quá trình lắp ráp Dayang, Trung Quốc đã đạt được nhiều bước đột phá về công nghệ, bao gồm tối ưu hóa toàn diện hiệu suất thủy động lực học và sắp xếp module của hệ thống vận hành.
Sau khi hoàn thành, phương tiện chủ yếu được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ thám hiểm khoa học đại dương và khoan dầu trong các dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia cũng như các chương trình hợp tác quốc tế lớn trong thám hiểm khoa học đại dương.
Trong tương lai, tàu sẽ được bổ sung 10 hạng mục thiết bị tiên tiến, tạo thành 9 phòng thí nghiệm bao trùm toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu biển. Ngoài ra, Dayang còn là phương tiện đầu tiên thuộc loại này được trang bị phòng thí nghiệm cổ địa từ siêu sạch đạt chuẩn hạng nhất quốc tế.
Cùng ngày 18/12, một cảng thám hiểm khoa học nước sâu có trụ sở tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, cũng được đưa vào hoạt động.
"Đây là cảng thám hiểm khoa học nước sâu đầu tiên và là cảng thám hiểm khoa học có quy mô lớn nhất ở Trung Quốc. Nó có khả năng neo đậu tàu khoan 40.000 tấn. Cảng có ngân hàng lõi khoan đại dương được xây dựng để lưu trữ và quản lý hiệu quả các mẫu lõi thu được từ các tàu khoan", Xu Zhenqiang, người đứng đầu dự án Dayang, cho biết.
Đoàn Dương (Theo CCTV/China Science Daily)