Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa trình dự thảo (lần thứ 3) Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục. Dù đạt được nhiều tiêu chí trong bộ đánh giá này nhưng các trường học đề xuất thêm tiêu chí tiêm vắc-xin cho học sinh (HS), độ tuổi từ 12-18. Ngành y tế cũng đánh giá việc tiêm vắc-xin cho HS là điều kiện rất quan trọng để mở lại trường học.
Phụ huynh mong muốn trẻ được tiêm vắc-xin
Đến nay, TP HCM có 19 quận, huyện và TP Thủ Đức công bố kiểm soát được dịch bệnh, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để ngành GD-ĐT tính phương án mở cửa trường học. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục, phụ huynh chỉ an tâm đưa con tới trường khi HS được tiêm vắc-xin đầy đủ.
Theo ông Trần Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (quận Tân Phú), Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch của Sở GD-ĐT TP HCM tại các cơ sở giáo dục là phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay của TP. Trường tự đánh giá đạt 8/10 tiêu chí và có thể dạy trực tiếp tại trường nhưng còn vướng vấn đề HS chưa được tiêm vắc-xin, nhiều giáo viên (GV) về quê và dạy online. Mặt khác, nhiều tỉnh chưa tổ chức tiêm vắc-xin nên nhiều GV về quê chưa tiêm mũi 1 hoặc chưa đủ 2 mũi sẽ khó khăn trong việc trở lại TP. Theo ông Minh, Sở GD-ĐT cần tính toán thời gian phù hợp để tổ chức học tập trực tiếp tại trường, có thể theo từng quận, huyện đã đủ điều kiện kiểm soát an toàn về dịch bệnh. "Để các trường chủ động và thích ứng khi mở lại trường, có thể lần lượt tổ chức theo từng khối, trước mắt là khối 6 và 12, sau đó đến các khối còn lại" - ông Minh nói.
Đồng quan điểm, ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5), cho biết hiện trường có thể đáp ứng các tiêu chí phòng chống dịch như GV được tiêm đủ vắc-xin, bảo đảm khoảng cách trong trường học, lớp học... nhưng phụ huynh đều mong muốn HS sớm được tiêm vắc-xin để trở lại học tập trực tiếp.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, sở đã có tờ trình gửi Thường trực UBND TP về việc mở cửa Trường Tiểu học Thạnh An và Trường THCS - THPT Thạnh An (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) đón HS trở lại học tập. Trước đó, sở đã khảo sát, kiểm tra và yêu cầu bổ sung một số điều kiện trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 2 cơ sở này. Nếu được Thường trực UBND TP chấp thuận, ngày 11-10, 2 cơ sở này sẽ đón HS khối lớp 1, 2, 6, 9 và 12, riêng các khối lớp còn lại vẫn tổ chức học tập trực tuyến.
Diễn tập phương án phòng chống dịch Covid-19 để đón học sinh trở lại trường học ở xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM. (Ảnh: ĐỖ YẾN)
Nhiều nước đã thực hiện
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi Trường Đại học Y Dược TP HCM, cho biết HS trở lại trường học là yêu cầu rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, thể chất và phát triển tâm lý cho trẻ. Để mở cửa trường an toàn, cần cơ chế đặc thù cho trẻ em TP, cho trẻ từ 12 tuổi tiêm vắc-xin. "Ở một số nước, có nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ lây nhiễm thấp khi trẻ trở lại trường. Vì vậy, cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp, tiếp cận theo nhiều bước để đón trẻ trở lại trường an toàn" - PGS-TS-BS Thế Nguyên thông tin.
BS Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm kiêm Trưởng Đơn vị Điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết hiện nhiều nước trên thế giới đã áp dụng tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-18 tuổi. "Tại Khu Điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhóm tuổi mắc Covid-19 thường chuyển nặng rơi vào trẻ từ 14 tuổi trẻ lên. Với nhóm trẻ này, nếu trở nặng sẽ khiến bệnh nặng hơn. Do đó, Bộ Y tế có thể xem xét để đối tượng trẻ trong độ tuổi này được tiêm ngừa" - BS Việt cho biết.
Theo PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y Dược TP HCM, Mỹ, Israel, Singapore đang tiến hành tiêm vắc-xin Pfizer cho trẻ em trên 12 tuổi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất với vắc-xin Sinopharm. Tại Anh, chỉ tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi bị các bệnh nền như Down, bại não, ung thư gây suy giảm miễn dịch. Một nghiên cứu khảo sát trên 2.260 trẻ em tại Mỹ cho thấy sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, hiệu giá kháng thể trung hòa gia tăng, hiệu lực bảo vệ là 100%. Một nghiên cứu khác ghi nhận trong số 1.129 trẻ không được tiêm, chỉ 16 trẻ mắc Covid-19 và không có trẻ nào bị bệnh nặng.
Các chuyên gia cho rằng nghiên cứu, đánh giá về lợi ích của tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở trẻ em hiện vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa bằng đeo khẩu trang, giãn cách xã hội được xem là một trong những biện pháp phòng chống Covid-19 có hiệu quả.
Đã có hợp đồng mua vắc-xin Pfizer tiêm cho trẻ em
Liên quan đến việc tiêm vắc-xin cho trẻ em, trong đó có đối tượng HS từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết bộ đã có hợp đồng mua hơn 20 triệu liều vắc-xin Pfizer - loại vắc xin có chỉ định tiêm chủng cho trẻ 12 tuổi trở lên. Tại Việt Nam, có 9 triệu trẻ trong độ tuổi này. Bộ Y tế cho biết do lượng vắc-xin cung ứng cho Việt Nam mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu phòng chống dịch nên chưa có hướng dẫn sử dụng vắc-xin Covid-19 cho trẻ vị thành niên. Khi nguồn cung vắc-xin đáp ứng đủ, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn và phân bổ vắc-xin về các địa phương, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách đối tượng tiêm vắc-xin, trong đó có đối tượng dưới 18 tuổi. PGS-TS Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng để phòng bệnh, trẻ em cũng cần được tiêm chủng, phòng bệnh trong trường học và thực hiện nghiêm quy tắc 5K.
N.Dung