Chuyên mục  


Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) Zhao Houlin. (Nguồn: itweb.co.za)

Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 do Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra từ 12/10-12/11 theo hình thức trực tuyến.

Đây là sự kiện lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được ITU tổ chức hằng năm.

Tiền thân là Triển lãm viễn thông thế giới (ITU Telecom World), sự kiện này chính thức được đổi tên thành Triển lãm thế giới số (ITU Digital World) từ năm 2020 theo sáng kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng.

Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2021 dự kiến thu hút khoảng 20.000 lượt người truy cập với sự có mặt của các hãng công nghệ ICT hàng đầu thế giới tham gia trưng bày sản phẩm số; sự tham gia diễn thuyết của khoảng 50 Bộ trưởng ICT và lãnh đạo các Tập đoàn lớn về ICT trên thế giới.

[Hội nghị Bộ trưởng và triển lãm thế giới số diễn ra từ 12/10 đến 12/11]

Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) Zhao Houlin đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về lý do ITU lựa chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị và Triển lãm thế giới số các năm 2020, 2021; về vai trò, đóng góp của Việt Nam trong ITU; khả năng thực hiện hóa công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam thời gian tới.

- Đây là lần thứ hai ITU lựa chọn Việt Nam để tổ chức sự kiện Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm trực tuyến thế giới số 2021, lý do là gì thưa ông?

Ông Zhao Houlin: Chúng tôi có nhiều lý do tốt để lựa chọn Việt Nam. Sự kiện triển lãm viễn thông thế giới (ITU Telecom World) thường diễn ra ở một khu vực khác nhau mỗi năm, trên cơ sở luân phiên để cân bằng, gần đây nhất, sự kiện này được tổ chức ở Budapest (Hungary) và Durban (Nam Phi). Các nước chủ nhà được lựa chọn thông qua quá trình ứng cử cạnh tranh.

Chúng tôi nhận thấy Việt Nam có mong muốn trở thành chủ nhà của ITU và lý do tốt nhất để tổ chức sự kiện tại đây là Việt Nam đã có những bước phát triển rất tốt về công nghệ thông tin và truyền thông.

Chúng tôi cũng rất ấn tượng với sự phát triển của công nghệ thông tin - truyền thông của Việt Nam, đặc biệt là sự sáng tạo của các ứng dụng mà Việt Nam đang phát triển. Ngoài ra, các công ty công nghệ của Việt Nam đã đầu tư ở một số nước như châu Phi, khu vực châu Mỹ Latinh. Đây là dấu hiệu mà chúng tôi đánh giá cao Việt Nam.

Thành tựu đáng kể của Việt Nam trong phát triển công nghệ thông tin-truyền thông và vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong ASEAN khiến Việt Nam trở thành nước chủ nhà lý tưởng cho sự kiện này.

Việc Triển lãm Viễn thông Thế giới được đổi tên thành Triển lãm thế giới số từ năm 2020 theo sáng kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đã phản ánh được những bước chuyển biến trong thời đại số hiện nay.

Thành tựu đáng kể trong phát triển công nghệ thông tin-truyền thông khiến Việt Nam trở thành một mô hình tuyệt vời cho khu vực và thế giới. Việt Nam cũng ở một vị trí rất tốt trên thế giới - đó là nằm trong khu vực ASEAN - một trong những khu vực năng động nhất và đang có nhiều sự kiện được thế giới quan tâm.

- Với cương vị là Tổng thư ký, ông đánh giá thế nào về vai trò, vị trí và đóng góp của Việt Nam trong ITU?

Ông Zhao Houlin: Năm nay, chúng tôi kỷ niệm 70 năm Việt Nam gia nhập ITU. Việt Nam là thành viên tích cực và hiệu quả của Liên minh Viễn thông quốc tế từ năm 1951 và có sự đóng góp lớn lao đối với tổ chức này.

Thành tựu đáng kể của Việt Nam trong phát triển công nghệ thông tin-truyền thông, bao gồm cả chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, khiến Việt Nam trở thành một mô hình tuyệt vời cho khu vực và các nước đang phát triển trên thế giới.

Tôi đánh giá cao Việt Nam đã tổ chức Thế giới số ITU vào năm 2020, sự kiện trực tuyến đầu tiên của chúng tôi và tiếp tục là nước chủ nhà năm nay, đặc biệt là cam kết mạnh mẽ và sự hỗ trợ tuyệt vời của Việt Nam.

Tôi cũng ghi nhận vai trò của Việt Nam với tư cách là một nhà cung cấp công nghệ thông tin-truyền thông và nền kinh tế số hàng đầu trong khu vực ASEAN, đồng thời là một đối tác quan trọng tại nhiều thị trường, từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ Latinh và khu vực Caribe.

- Định hướng trong quan hệ hợp tác giữa ITU với các quốc gia thành viên được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Zhao Houlin: ITU được thành lập từ năm 1865 và là cơ quan lâu đời nhất của Liên hợp quốc, có sự tham gia của những người trẻ tuổi và những con người sáng tạo. Kết nối số và chuyển đổi số là trọng tâm của các hoạt động giữa ITU với các nước thành viên.

Sứ mệnh của ITU là kết nối thế giới. ITU cùng với các thành viên thực hiện phân bổ phổ tần số vô tuyến và quỹ đạo vệ tinh để thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng trong ngành công nghệ thông tin; về tiêu chuẩn hóa quốc tế để tạo ra các sân chơi bình đẳng và kinh tế quy mô, giúp giảm chi phí của toàn bộ hệ sinh thái; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật ở các nước đang phát triển thông qua các mạng lưới, cơ sở hạ tầng, kỹ năng số, khuôn khổ chính sách và quy định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Đây là những hoạt động cốt lõi của ITU và các thành viên nhằm đặt nền tảng cho chuyển đổi số. Tôi xin lưu ý rằng các thành viên của ITU bao gồm các Chính phủ, khu vực tư nhân, học viện, các tổ chức khu vực và quốc tế.

ITU đóng vai trò chính trong thu thập dữ liệu. Số liệu thống kê của ITU là một nguồn tham khảo trên toàn thế giới. Hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm quan hệ đối tác công tư là điều cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Tất cả các sáng kiến chung của ITU đều hướng tới mục tiêu này - dù là với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để tận dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ chăm sóc sức khỏe, với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) để làm sáng tỏ cách các công nghệ mũi nhọn mới có thể đảm bảo an ninh lương thực, với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để kết nối mọi trường học với internet, hoặc với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) để thúc đẩy việc làm tử tế và nâng cao kỹ năng số cho những người trẻ tuổi trong nền kinh tế số châu Phi.

Liên minh số Partner2Connect là một cơ chế đa bên được ITU triển khai gần đây nhằm thúc đẩy kết nối và chuyển đổi số hiệu quả ở những cộng đồng khó kết nối nhất, bao gồm cả các quốc gia kém phát triển nhất, các quốc gia đang phát triển không giáp biển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển.

Thông qua các quan hệ đối tác như vậy, chúng ta sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự chung và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

- Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Ông đánh giá như thế nào về khả năng thực hiện hóa mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Zhao Houlin: Chuyển đổi số là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của nhiều quốc gia, vì vậy công nghệ thông tin-truyền thông đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông tin cũng như chuyển đổi số.

Hiện nay Việt Nam đang triển khai Chính phủ điện tử và những nỗ lực này nhận được sự ủng hộ của người dân. Họ mong muốn đưa các ý kiến để Chính phủ lắng nghe và đóng góp vào việc thực hiện công nghệ thông tin, giúp cho việc thực hiện kế hoạch này hiệu quả hơn. Việt Nam là một điển hình tốt trong việc chuyển đổi số.

Chuyển đổi số thành công ở Việt Nam chỉ là thời điểm sớm hay muộn mà thôi. Đây không chỉ không phải chỉ là nguyện vọng, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam mà là của tất cả người dân. Với sự chung sức, đồng lòng ủng hộ nỗ lực chuyển đổi số này, tôi tin rằng Việt Nam sẽ thành công.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020