Chuyên mục  


Các nhà lãnh đạo vỗ tay hoan nghênh sau khi thỏa thuận lịch sử về bảo vệ thiên nhiên được thông qua tại COP15. Ảnh: AFP

Sau 4 năm đàm phán căng thẳng, hơn 190 quốc gia đã tập hợp lại tại Hội nghị Thượng đỉnh Đa dạng Sinh học COP15 của Liên Hợp Quốc do Trung Quốc làm trung gian, diễn ra tại thành phố Montreal của Canada, nhằm cứu các vùng đất, đại dương và sinh vật trên Trái Đất khỏi ô nhiễm, suy thoái và khủng hoảng khí hậu.

Trong phiên họp vào sáng 19/12, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc Huang Runqiu, Chủ tịch của COP15, tuyên bố "hiệp ước hòa bình với thiên nhiên" đã được thông qua bất chấp sự phản đối từ Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia yêu cầu tài trợ nhiều hơn cho các nước đang phát triển.

Bộ trưởng Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc Huang Runqiu Huang Runqiu tại phiên họp toàn thể cho phần cuối của COP15 hôm 19/12. Ảnh: AFP

Người đứng đầu EU Ursula von der Leyen cho biết thỏa thuận này là "nền tảng cho hành động toàn cầu về đa dạng sinh học, bổ sung cho Thỏa thuận Paris về Khí hậu".

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ủng hộ hiệp ước và đánh giá cao vai trò của Trung Quốc tại hội nghị. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ca ngợi thỏa thuận này là "toàn diện và đầy tham vọng".

Thỏa thuận cam kết bảo vệ 30% diện tích hành tinh xanh vào năm 2030, cung cấp 30 tỷ USD viện trợ bảo tồn hàng năm cho thế giới đang phát triển và ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài bị đe dọa mà nguyên nhân là do con người gây ra. Nó cũng cam kết bảo vệ quyền của dân bản địa với tư cách là người quản lý vùng đất của họ.

Các mục tiêu đáng chú ý khác trong hiệp ước bao gồm tiết kiệm hàng trăm tỷ USD bằng cách cắt giảm trợ cấp nông nghiệp gây hại cho môi trường, giảm rủi ro từ thuốc trừ sâu và giải quyết vấn đề động vật xâm lấn.

Thỏa thuận đạt được tại COP15 thắp lên hy vọng cho cuộc khủng hoảng thiên nhiên hiện nay. Ảnh: AFP

Các nhà môi trường đã so sánh thỏa thuận này với kế hoạch "mang tính bước ngoặt" nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C theo Thỏa thuận Paris về Khí hậu năm 2015, mặc dù một số chuyên gia cảnh báo rằng nó chưa đi đủ xa.

"Đó là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ sự sống trên Trái Đất, nhưng chỉ riêng nó là không đủ. Các chính phủ nên lắng nghe những gì khoa học đang nói và nhanh chóng mở rộng quy mô tham vọng bảo vệ một nửa Trái Đất vào năm 2030", Bert Wander, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Avaaz, cho biết.

Trong khi đó, Giám đốc Chiến dịch vì Thiên nhiên Brian O'Donnell gọi đây là "cam kết bảo tồn đại dương và đất liền lớn nhất trong lịch sử".

"Cộng đồng quốc tế đã cùng nhau đạt một thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu mang tính bước ngoặt, đem đến một số hy vọng rằng cuộc khủng hoảng mà thiên nhiên phải đối mặt đang bắt đầu nhận được sự quan tâm xứng đáng", O'Donnell chia sẻ. "Nai sừng tấm, rùa biển, vẹt, tê giác, dương xỉ, bướm, cá đuối và cá heo nằm trong số hàng triệu loài sẽ phục hồi đáng kể về triển vọng sống sót và sự phong phú của chúng nếu thỏa thuận này được thực hiện hiệu quả".

Đoàn Dương (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020