Chuyên mục  


Minh họa cuộc vây hãm thành Rhodes. Ảnh: Amusing Planet

Cuối thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, sau cái chết của Alexander Đại đế, vương quốc Rhodes phát triển mối quan hệ gắn bó về thương mại và văn hóa với pharaoh Ptolemy I của Ai Cập, tạo nên một liên minh kiểm soát hoạt động thương mại trên khắp biển Aegean. Vua của Macedonia, Antigonus I, cảm thấy bị đe dọa trước liên minh này. Ông lo sợ Ptolemy I có thể dùng đảo Rhodes làm căn cứ tấn công Macedonia, thậm chí người Rhodes có thể cung cấp tàu thuyền và vật tư cho vị pharaoh.

Antigonus I quyết định phá vỡ liên minh này. Năm 305 trước Công nguyên, ông cử con trai và cũng là vua tương lai của Macedonia, Demetrius, cùng một đội tàu chiến quy mô đến bao vây Rhodes. Mục tiêu đầu tiên là chiếm giữ bến cảng của hòn đảo. Demetrius nhanh chóng xây dựng bến cảng riêng cạnh bến cảng ban đầu và một con đê để bảo vệ các hoạt động trên biển của mình. Cùng lúc đó, quân đội của ông tàn phá hòn đảo và xây một khu trại lớn trên vùng đất sát thành phố Rhodes nhưng vẫn nằm ngoài tầm bắn.

Mô phỏng 3D và mặt cắt ngang của tháp Helepolis (trái) và mô hình tòa tháp tại Bảo tàng Công nghệ Thessaloniki, Hy Lạp. Ảnh: Gts-tg/Wikimedia/Evan Mason

Trong cuộc chiến, cả hai bên đều sử dụng nhiều thiết bị kỹ thuật như mìn và những công cụ vây hãm khác nhau, đáng chú ý nhất là tháp vây hãm khổng lồ của Demetrius mang tên Helepolis, hay "Kẻ chiếm các thành phố".

Tháp Helepolis có hình dạng vuốt nhọn dần lên trên, cao khoảng 40 m, làm bằng gỗ và bọc các tấm sắt. Bên trong tháp chia thành nhiều tầng, nơi có hàng trăm người nằm chờ để tấn công tường thành bằng máy bắn đá và xe phá thành. Để bắn, tường phía trước của tháp trang bị nhiều cổng pháo và được bảo vệ bằng những cánh cửa có thể điều chỉnh cơ học, lót da nhồi len và rong biển để chống cháy. Toàn bộ tòa tháp, nặng 160 tấn, đặt trên 8 bánh xe, mỗi bánh cao khoảng 4,5 m. Cần 3.400 người làm việc luân phiên theo nhóm để đẩy và đưa tòa tháp vào đúng vị trí phía trước tường thành.

Kết quả, quân Rhodes tấn công Helepolis dữ dội, thậm chí phá hủy một số tấm sắt bọc quanh tháp, khiến cấu trúc gỗ dễ hư hại lộ ra. Để bảo vệ Helepolis, Demetrius đã ra lệnh rút tòa tháp về. Một năm sau, lực lượng cứu viện Rhodes gồm nhiều tàu thuyền mà Ptolemy cử đi đã đến nơi. Demetrius cùng quân đội của mình từ bỏ cuộc vây hãm, để lại đa số máy móc vũ khí.

Một thập kỷ sau, người Rhodes nấu chảy toàn bộ số vũ khí mà quân đội của Demetrius để lại, bao gồm cả những tấm sắt của Helepolis, và bán phần còn lại của tòa tháp. Với số tiền và vật liệu thu được như đồng, sắt, họ dựng lên Tượng Thần Mặt Trời Rhodes để kỷ niệm cuộc chiến chống lại kẻ thù hào hùng của mình. Bức tượng khổng lồ được xây từ bộ khung sắt gắn các tấm đồng để tạo thành lớp da. Sau đó, thợ xây lấp đầy cấu trúc này bằng những khối đá. Bức tượng đứng trên bệ đá cẩm thạch cao 15 m. Đến năm 280 trước Công nguyên, bức tượng hoàn thành sau 12 năm chế tạo.

Một bản minh họa năm 1790 về Tượng Thần Mặt Trời Rhodes. Ảnh: Amusing Planet

Tượng Thần Mặt Trời Rhodes chỉ tồn tại 54 năm. Một trận động đất xảy ra tại Rhode năm 226 trước Công nguyên khiến bức tượng gãy đầu gối và sụp đổ. Những mảnh vỡ của bức tượng cuối cùng được thu thập và nấu chảy khi Rhodes rơi vào tay người Arab vào năm 653. Số đồng thu được bị bán cho một thương gia Do Thái. Người này đã cần đến hơn 900 con lạc đà để vận chuyển toàn bộ số đồng.

Dù không còn tồn tại, cả tháp Heliopolis và Tượng Thần Mặt Trời Rhodes đều có dấu ấn đậm nét trong văn hóa hiện đại. Ví dụ, thiết kế của Tượng Nữ thần Tự do ở New York lấy cảm hứng từ Tượng Thần Mặt Trời Rhodes - công trình được coi là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại.

Thu Thảo (Theo Amusing Planet)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020