Chuyên mục  


Những người đàn ông đứng sau xác 500.000 con chuột chất đống bắt vào tháng 5/1917 ở Lascelles, Victoria. Ảnh: F.G. England

Chuột cống và chuột nhắt là vấn đề lớn ở Australia, đặc biệt quanh những khu vực trồng ngũ cốc ở miền đông và miền nam. Cứ vài năm một lần, quần thể chuột đạt tới quy mô khổng lồ tàn phá hoa màu và vườn tược, xâm chiếm nhà cửa, khách sạn và nhà hàng. Ngay cả khu đô thị như Sydney, cũng có số lượng chuột cực lớn ước tính từ 500 triệu tới một tỷ con. Tỷ lệ chuột so với cư dân thấp nhất là 100 con mỗi người, theo Amusing Planet.

Một trong những đại dịch chuột lớn nhất xảy ra vào năm 1917 khi nhiều nơi ở Queensland và Victoria bị chuột xâm chiếm. Chúng cắn trẻ em trong nôi, nhai đường dây điện thoại và máy điện tín, gặm con dấu và bưu kiện ở ga tàu hỏa. Chuột nhảy ra mỗi lần mở ngăn kéo và chạn bát, khiến người trong nhà hoảng sợ. Các bà nội trợ thường tìm thấy chuột chết trôi nổi trong bình sữa và phải cắt ổ bánh mỳ một cách thận trọng vì đôi khi có xác chuột bị nướng chín bên trong. Vài con chuột thậm chí mò vào vườn thú và làm sư tử hoảng sợ hoặc voi rống lên ầm ĩ.

"Trật tự bị đảo lộn, chuột không chỉ chạy nhảy khi mèo vắng mặt mà còn nô đùa xung quanh, cắn tai và chóp đuôi của mèo. Những con mèo trở nên sợ hãi và hoảng loạn đến mức trú ngụ trên cây bất cứ khi nào có thể", tờ The Richmond River Herald và Northern Districts Advertiser đưa tin. Theo The Horsham Times, lúa mỳ ở ga Woomelang nhanh chóng biến mất. Nông dân địa phương không thể sử dụng rơm rạ cho ngựa ăn bởi đống rơm có quá nhiều chuột. Đa số nông dân phải đốt đi và mua rơm rạ từ thị trấn khác.

Hàng chục nhìn con chuột bị bắt và giết mỗi người. Đợt diệt chuột lớn nhất diễn ra ở Lascelles, Victoria, nơi 200.000 con chuột, nặng tổng cộng 3 tấn, bị bắt trong một đêm. Đại dịch chuột được chú ý lần đầu tiên vào tháng 2 và tháng 3/1917, đạt đỉnh điểm giữa tháng 4 và tháng 8. Trước khi đại dịch bị dập tắt, hơn 1.500 tấn chuột, tương đương khoảng 100 triệu con, bị giết chết.

Đại dịch chuột năm 1917 có quy mô lớn nhưng để lại hậu quả nặng nề nhất về kinh tế là đại dịch năm 1993 khi chuột gây thiệt hại 64 - 96 triệu USD. Chuột phá hủy hàng nghìn hecta hoa màu và tàn phá các trang trại gia cầm.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân Australia định kỳ trải qua đại dịch chuột. Loài xâm hại này không phải động vật bản xứ trên châu lục. Chúng xuất hiện cùng với người châu Âu có thể vào cuối thế kỷ 18. Do là loài đưa từ nơi khác tới và không có động vật săn mồi tự nhiên, chuột sinh sôi và số lượng tăng vọt. Yếu tố quan trọng nhất góp phần vào đại dịch chuột nhiều khả năng là thời tiết. Mưa mùa đông rất cần thiết để đại dịch diễn ra, dù đó không phải yếu tố duy nhất. Ngược lại, hạn hán đủ để ngăn chặn đại dịch chuột. Thức ăn sẵn có là một yếu tố khác, nhưng thí nghiệm có kiểm soát cho thấy không có thay đổi nào về số lượng khi thêm nước hoặc thức ăn.

An Khang (Theo Smithsonian)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020