Chuyên mục  


Ngày 1/8, tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra vòng chung kết “Cuộc đua xe ôtô mô hình tự chế - Mini Car Racing lần 5 - năm 2020” với sự tham dự của 27 đội thuộc các trường đại học, cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố đã vượt qua vòng sơ loại, vòng loại ở các bảng thi đấu.

Kết quả chung cuộc cho thấy, đội Fast and Furious 07 (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) giành giải nhất; đoạt giải nhì là đội Redbull CĐT-34 (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng).

Ban tổ chức cũng trao giải sáng tạo và giải truyền thông cho 2 đội đều thuộc Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng là CTM Fast-31 và Army CKC-03 cùng 9 giải khuyến khích cho các đội đạt thành tích khá ấn tượng tại cuộc thi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Trưởng khoa Khoa Cơ khí động lực, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Mini Car Racing là xe ô tô mô hình, do sinh viên tự thiết kế chế tạo ở mức tối thiểu là 50%; có kích thước tối đa 80cm x 50cm x 50cm; sử dụng động cơ xăng dung tích 22-33 cm3; có cấu tạo và nguyên lý hoạt động tương tự như chiếc ôtô trong thực tế.

[Xác định 8 đội xuất sắc lọt vào chung kết thi lập trình xe tự hành]

Mini Car Racing phải đảm bảo an toàn về tính kỹ thuật, không có góc nhọn gây nguy hiểm và được thi đấu trên sa hình được thiết kế riêng trên mặt đường nhựa với tổng chiều dài đường đua là 76 m.

“Điểm đặc biệt của Mini Car Racing năm nay là ứng dụng IoT (hệ thống sử dụng mạng lưới các thiết bị, cảm biến) để điều khiển ôtô mô hình từ xa bằng điện thoại thông qua giao thức wifi làm trọng tâm. Đồng thời, ban tổ chức cuộc đua hướng các đội thi thiết kế xe mô hình sử dụng vật liệu tái sử dụng, thân thiện với môi trường với chủ đề 'Road to Zero Waste' nhằm lan tỏa thông điệp vì một cuộc sống xanh trong cộng đồng sinh viên,” ông Nguyễn Ngọc Thạnh chia sẻ.

Đội Fast and Furious 07, trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng giành giải nhất. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tham gia Mini Car Racing năm 2020, sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô các trường cho rằng đây là cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực hành, cọ sát với thực tế hơn.

Đặc biệt, cuộc thi còn là dịp tích lũy kinh nghiệm chuyên môn đa ngành, làm quen cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ, hệ thống truyền động trên ôtô.

Nhiều sinh viên ngành điện điện tử cũng nhìn nhận tham gia cuộc đua, họ có cơ hội nắm bắt, hiểu hơn về kết cấu và nguyên lý của hệ thống điều khiển tay ga, rẽ trái, rẽ phải từ xa bằng điện thoại thông minh. Sinh viên ngành cơ khí có cơ hội ứng dụng các môn vẽ kỹ thuật, hàn, nguội, công nghệ chế tạo máy, Autocad để thiết kế và chế tạo khung xe...

Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng gồm Lê Thanh Phương, Trần Trọng Tuấn, Nguyễn Hoàng Vi nhấn mạnh, đây là sân chơi lý tưởng cho sinh viên, nhất là đối với những bạn trẻ đam mê kỹ thuật, là dịp để sinh viên rèn luyện những kỹ năng làm việc nhóm, xây dựng tinh thần đoàn kết cùng nhiều kỹ năng mềm khác trong quá trình tham gia chế tạo và thi đấu.

Theo ban tổ chức, trước đó, để giúp sinh viên làm quen với các cơ cấu, giải pháp tạo ra sản phẩm xe ôtô mô hình, các trường đã phối hợp tổ chức “Hội thảo thiết kế chế tạo xe mô hình,” “Hội thảo thiết kế chế tạo hệ thống điều khiển xe mô hình” nhằm hướng dẫn sinh viên thực hành thiết kế chế tạo mạch điều khiển từ xa bằng điện thoại thông qua giao thức wifi-internet.

Ngoài ra, Ban tổ chức còn hỗ trợ các thiết bị, phụ kiện thiết kế, dụng cụ chế tạo và 1 động cơ xăng có thể tích 26 cm3.

Cuộc thi năm nay thu hút gần 350 sinh viên thuộc 70 đội (mỗi đội gồm 5 sinh viên) từ nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh tranh tài ở vòng sơ loại, vòng loại.

Tại vòng chung kết, các đội dự thi bắt buột phải có giải pháp kỹ thuật công nghệ sáng tạo, sản phẩm phải độc đáo về tính năng, thẩm mỹ, kinh tế và tương đồng với cơ cấu thực tế nhất./.

Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020