Chuyên mục  


Chuông điện Oxford ở phòng thí nghiệm Clarendon. Ảnh: Wikimedia

Vào giữa thế kỷ 19, Robert Walker, giáo sư vật lý ở Đại học Oxford, mua được một thiết bị thú vị. Đó là bộ pin được thiết kế để đẩy quả cầu kim loại dao động nhanh giữa hai khối chuông nhỏ. Cho đến nay, thiết bị mang tên Chuông điện Oxford vẫn phát ra tiếng kêu sau 180 năm từ khi sản xuất. Các nhà khoa học cho biết chiếc chuông đã kêu hơn 10 tỷ lần, theo Smithsonian Magazine.

Chế tạo bởi Watkins và Hill, một công ty sản xuất thiết bị ở London, Anh, chiếc chuông được gửi đến Walker kèm theo tờ ghi chú "Sản xuất năm 1840". Hiện nay, chiếc chuông được trưng bày tại Phòng thí nghiệm Clarendon thuộc Đại học Oxford. Các nhà nghiên cứu chưa biết chính xác cơ chế nào giúp thiết bị được sách Kỷ lục Guinness công nhận là "bộ pin bền nhất thế giới" hoạt động lâu như vậy. Việc tháo rời thiết bị để nghiên cứu có thể phá hỏng nó.

Thiết bị sử dụng pin khô, một trong những loại pin điện đầu tiên do linh mục kiêm nhà vật lý Giuseppe Zamboni phát triển vào đầu thế kỷ 19. Pin khô bao gồm các đĩa tròn bằng bạc, kẽm, lưu huỳnh hoặc vật liệu khác xếp xen kẽ nhau để sản sinh dòng điện cường độ thấp.

"Chúng tôi chưa biết chắc chắn cấu tạo bên trong bộ pin, nhưng lớp phủ bên ngoài là lưu huỳnh", AJ Croft, nhà nghiên cứu từng làm việc tại Phòng thí nghiệm Clarendon, cho biết trong một bài báo đăng năm 1984 trên tạp chí Vật lý học châu Âu. "Zamboni từng chế tạo những khối pin tương tự, gồm khoảng 2.000 lá thiếc mỏng dính vào giấy phủ hợp chất kẽm lưu huỳnh ở một mặt và mangan dioxide ở mặt còn lại".

Chiếc chuông không kêu inh ỏi như đồng hồ báo thức mà chỉ phát ra âm thanh rất nhỏ bởi dòng điện chạy qua có điện thế rất thấp. Để khám phá bí ẩn của Oxford Electric Bell, các nhà nghiên cứu chắc chắn phải đợi cho tới khi bộ pin cạn điện hoặc thiết bị tự hỏng theo thời gian.

An Khang (Theo IFL Science/Smithsonian Magazine)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020