Chuyên mục  


Cá sấu Cuba non được thả xuống nước vào tháng 8/2022. Ảnh: Reuters

Hai nhà sinh vật học cho biết mèo hoang đã giết chết tổng cộng 145 con cá sấu Cuba non chỉ trong mùa thu năm 2022. Đó là vấn đề đáng lo ngại bởi cá sấu Cuba (Crocodylus rhombifer) là một loài cực kỳ nguy cấp chỉ sống ở vùng đầm lầy Zapata và Lanier của Cuba, Live Science hôm 10/5 đưa tin.

Một số đặc điểm khác biệt giữa cá sấu Cuba và các loài cá sấu châu Mỹ khác bao gồm gờ xương phía sau mắt, tính khí hung dữ hay tò mò, khả năng nhảy cao khỏi mặt nước, theo George Amato, giám đốc danh dự Viện hệ gene so sánh thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ kiêm chuyên gia về cá sấu Cuba. Cá sấu Cuba đại diện cho một nhánh tiến hóa rất lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên của chúng. Amato đã nghiên cứu loài này từ thập niên 1990.

Ước tính chỉ có khoảng 3.000 loài cá sấu Cuba còn sót lại trong tự nhiên, vì vậy con người đang tìm cách tăng số lượng của chúng. Mỗi năm, Trang trại nhân giống cá sấu đầm lầy Zapata, hoạt động nhân giống cá sấu Cuba lớn nhất thế giới, thả 500 con vào đầm lầy với hy vọng chúng sẽ phát triển và sinh sản, theo Etiam Pérez-Fleitas, nhà sinh vật học cộng tác với trang trại.

Từ tháng 10 đến tháng 11/2022, trang trại hiện nay quản lý khoảng 4.500 con cá sấu Cuba, trải qua hàng loạt vụ tấn công của động vật ăn thịt, giết chết 145 con cá sấu 4 tháng tuổi, theo bài báo trên tạp chí Herpetology Notes. Pérez-Fleitas và Gustavo Sosa-Rodriguez mô tả bằng chứng mèo hoang là thủ phạm gây ra những vụ tấn công, bao gồm dấu vết đáng ngờ và lông thu được ở gần đó.

Bẫy camera cũng ghi lại hình ảnh ít nhất một con mèo hoang đột nhập vào chuồng cá sấu. Một lần, nhân viên trang trại chứng kiến vài con mèo hoang đang ăn thứ gì đó ở lân cận. Khi tới kiểm tra, họ phát hiện những mẩu thịt cá sấu. Ngoài ra, các vụ tấn công chấm dứt một tháng sau khi 7 con mèo hoang bị bắt và đưa đi khỏi khu vực.

Cả Amato và Pérez-Fleitas đều nhấn mạnh cá sấu non không bị nuôi nhốt với số lượng lớn trong khu vực khép kín ngoài tự nhiên. Do đó, phát hiện mới cho thấy mèo hoang lang thang có thể gây thiệt hại ở môi trường mà chúng xuất hiện. Xếp thứ 38 trong số 100 loài xâm hại tồi tệ nhất thế giới, ước tính mèo hoang giết chết hàng tỷ con chim và động vật có vú ở Mỹ hàng năm. Để ngăn chặn thiệt hại đối với hệ sinh thái bản xứ, một số tổ chức và chính phủ đã áp dụng các biện pháp gây tranh cãi, bao gồm đặt bẫy, bắn súng và rải thuốc độc.

Pérez-Fleitas và cộng sự đang theo dõi những khu vực cá sấu Cuba tồn tại để ước tính số lượng mèo hoang. Nếu số lượng đủ nhỏ, có thể triệt sản mèo đực để bảo vệ cá sấu.

An Khang (Theo Live Science)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020