Thước phim gốc quay vào năm 1933 về cá thể hổ Tasmania cuối cùng. Video: David Fleay
Đoạn video đen trắng này là một trong số ít những thước phim được lưu giữ cho đến nay về hổ Tasmania, hay chó sói túi Tasmania, loài động vật đã biến mất mãi mãi. Nó được quay bởi nhà tự nhiên học David Fleay vào tháng 12/1933 trong một lần ghé thăm sở thú Beaumaris ở thành phố Hobart, phía nam đảo Tasmania của Australia.
Cá thể đực xuất hiện trong video, có tên là Bejiamin, bị bẫy trong thung lũng Florentine vào cùng năm đó và được gửi đến sở thú Beaumaris để nuôi nhốt trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, vào ngày 7/9/1936, Bejiamin đã chết cóng do sơ xuất của nhân viên sở thú, khi để con vật phải ngủ một đêm ngoài trời trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Vào thời điểm đó, con người thậm chí còn không nhận thức được đây là cá thể hổ Tasmania cuối cùng còn sót lại trên Trái Đất. Mãi đến năm 1982, sau gần nửa thế kỷ tìm kiếm nhưng không có kết quả, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế mới chính thức tuyên bố về sự tuyệt chủng của loài.
Thước phim phục chế màu về loài hổ Tasmania đã tuyệt chủng. Video: NFSA
Hôm 7/9/2021, đúng 85 năm sau cái chết của Bejiamin, cũng là Ngày Quốc gia về các loài bị de dọa ở Australia, Cơ quan lưu trữ phim và âm thanh (NFSA) của nước này đã phát hành lại thước phim cũ của Fleay dưới dạng phục chế màu ở chất lượng 4K.
NFSA đã giao đoạn phim cho Samuel Francois-Steininger, một chuyên gia hình ảnh từ công ty Composite Films có trụ sở tại Pháp, người dành hơn 200 giờ để hoàn thành quá trình chỉnh sửa màu vất vả.
"Những cảnh quay thật tuyệt vời, nhưng rất khó để phục chế màu vì ngoài Bejiamin, có rất ít yếu tố trong khung hình", Francois-Steininger mô tả trong một bài đăng trên trang web của kho lưu trữ. "Bên cạnh đó, do độ phân giải thấp của video gốc, có nhiều chi tiết như bộ lông dày đặc cần được xử lý".
Về việc lựa chọn màu sắc, Francois-Steininger đã tham khảo nhiều mẫu vật da hổ Tasmania được lưu giữ trong các viện bảo tàng, đồng thời dựa vào các bản phác thảo và tranh vẽ để tái hiện chân thực nhất màu lông của sinh vật.
"Hy vọng dự án này sẽ giúp nâng cao nhận thức của mọi người về các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu", Francois-Steininger nói thêm.
Đoàn Dương (Theo AFP/NFSA)