Chuyên mục  


Báo cáo "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam" năm 2020 là sản phẩm của Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng theo yêu cầu của Chính phủ thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ, tài trợ bởi Chương trình Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Chính phủ Australia và Nhóm WB giai đoạn II (ABP2) trong chương trình Nâng cao Đổi mới Sáng tạo ở Việt Nam.

bao-cao-3573-1630768729.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JliiMyyC0Oym2pfvQIwxRw

Báo cáo cung cấp các phân tích hỗ trợ quan trọng cho việc xây dựng Chiến lược Khoa học, Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam. Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, hướng tới tăng trưởng cao và bền vững cho Việt Nam.

Theo báo cáo, sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, đặc biệt là làn sóng mới về số hoá, tự động hóa, và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tinh vi sẽ định hình lại chiến lược định hướng xuất khẩu dựa trên thâm dụng lao động với chi phí thấp của Việt Nam. Các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng kỹ thuật số và các công ty "siêu ứng dụng" mang lại nhiều triển vọng hứa hẹn.

"Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư vốn cổ phần tư nhân (VCPE)", báo cáo viết. Đại dịch Covid-19 bùng phát càng cho thấy nhu cầu phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng, phổ biến công nghệ, mô hình kinh doanh mới và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ tăng trưởng và tính linh hoạt của doanh nghiệp.

Hiện số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các công nghệ công nghiệp 4.0 như in 3D, robot rất ít. Chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của công nghiệp 3.0. "Chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả là vấn đề đáng quan ngại", báo cáo viết. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tích lũy năng lực đổi mới, trước hết thông qua chuyển đổi các quy trình sang sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, tiến tới các công nghệ công nghiệp 4.0 phức tạp hơn.

Để đạt được mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và năng suất, giải pháp được các chuyên gia xây dựng báo cáo cho rằng, doanh nghiệp phải được đặt ở trung tâm của các chính sách đổi mới sáng tạo với tư cách là chủ thể, thay vì chỉ chú trọng khu vực hàn lâm thực hiện hoạt động R&D. Trong bối cảnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam đang hoàn thiện, cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp "đường biên công nghệ" - thông qua việc tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng thúc ép ra công nghệ mới thông qua hoạt động phát minh sáng chế.

Cho rằng Việt Nam còn nhiều dư địa cho tăng cường đổi mới sáng tạo và số hóa trong doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nội địa, báo cáo nhấn mạnh giải pháp cải cách khắc phục những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh. Trong đó cần khắc phục các quy định hạn chế không cần thiết, giới hạn cạnh tranh, hạn chế về đổi mới sáng tạo và tài chính cho khởi nghiệp...

Lễ ra mắt chính thức báo cáo sẽ do Bộ Khoa học và Công nghệ và Ngân hàng Thế giới dự kiến tổ chức trong tháng 9.

Tô Hội

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020