Chuyên mục  


Bình đồng được khai quật tại di chỉ Daxinzhuang năm 2010. Ảnh: Viện Nghiên cứu Khảo cổ học Tế Nam/Xinhua

Chất lỏng trong một bình đồng cổ vừa được xác nhận là rượu chưng cất niên đại hơn 3.000 năm, theo Viện Nghiên cứu Khảo cổ học Tế Nam. Chiếc bình bằng đồng hình con cú có niên đại từ thời nhà Thương (khoảng năm 1600 - 1046 trước Công nguyên), được khai quật tại di chỉ Daxinzhuang, thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, năm 2010.

Các nhà khảo cổ phát hiện một lượng nhỏ chất lỏng bên trong nhưng không mở bình ngay vì bị rỉ sét lấp kín. Trải qua 3.000 năm, món đồ đồng đã rỉ sét khi chôn vùi dưới đất. Rỉ sét khiến nắp bình dính chặt với thân, ngăn chặn hiệu quả sự bay hơi của chất lỏng bên trong.

Đến gần đây, họ mới mở chiếc bình cổ đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Khảo cổ học Tế Nam. Một mẫu chất lỏng được chuyển đến Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Quốc tế về Khảo cổ học Môi trường và Xã hội thuộc Đại học Sơn Đông để kiểm tra.

Chất lỏng được lưu trữ trong môi trường kín, không có oxy suốt thời gian dài, được xác định là chỉ chứa nước, ethanol, ethyl acetate và một số thành phần khác, cho thấy đây là một loại rượu chưng cất, theo Wu Meng, nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm.

Fang Qi, trưởng khoa Khảo cổ thuộc Đại học Cát Lâm, nhận xét rằng phát hiện mới đặc biệt quan trọng, giúp lấp đầy khoảng trống trong việc sản xuất rượu chưng cất từ thời nhà Thương đến nhà Hán (từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220) ở Trung Quốc, làm cho nó trở thành một phát hiện khảo cổ quan trọng. Trung Quốc có lịch sử lâu đời về nấu rượu. Người Trung Quốc cổ đại dùng ngũ cốc để làm rượu từ thời Đồ Đá Mới (khoảng năm 7000 - 1700 trước Công nguyên), nhưng không có tài liệu nào về việc chưng cất rượu cổ xưa ở nước này, Fang cho biết. Nghiên cứu về nguồn gốc của rượu chưng cất Trung Quốc luôn là một đề tài quan trọng trong lịch sử khoa học và nghiên cứu về văn hóa rượu.

Với sự tiến bộ liên tục của ngành khảo cổ, các nhà khoa học đã khai quật hàng loạt dụng cụ chưng cất từ thời nhà Hán, bao gồm một dụng cụ thời Tây Hán (từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 25) tại lăng mộ hoàng đế Lưu Hạ ở tỉnh Giang Tây và một dụng cụ tại lăng mộ khác ở Tây An. Những phát hiện khảo cổ này chỉ ra rằng ít nhất từ thời Tây Hán, kỹ thuật chưng cất đã tồn tại ở Trung Quốc.

Thu Thảo (Theo Global Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020