Chuyên mục  


Rắn lục mép xanh dương có tên khoa học Trimeresurus cyanolabris, thuộc giống Rắn lục châu Á (Trimeresurus), họ Rắn lục (Viperridae). Phát hiện được công bố trên tạp chí Zootaxa vào tháng 7, giúp nâng số loài thuộc giống Rắn lục châu Á lên tổng số 50 loài trên thế giới và loài thứ 10 tại Việt Nam. Giống như các loài rắn độc thuộc giống Rắn lục châu Á, loài Rắn lục mép xanh sở hữu nọc độc nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm cho con người.

Nhóm nhà khoa học gồm TS Lê Xuân Đắc, Viện Sinh thái Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; TS Nikolay A. Poyarkov (ĐH Tổng hợp Matxcơva, LB Nga) cùng các cộng sự đã phát hiện loài rắn độc mới khi tiến hành khảo sát thực địa tại khu rừng ven biển miền Trung Việt Nam trong năm 2023. Họ đã tìm thấy các cá thể rắn lục với đôi mắt vàng, thân xanh nổi bật tại khu rừng thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Loài rắn lục mép xanh dương. Trong ảnh là con đực trưởng thành. Ảnh: Bragin AM

Theo thông tin từ Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, rắn lục mép xanh dương có kích thước nhỏ, dài khoảng 63 cm và đầu hình tam giác. Loài rắn độc này có thân dài và mỏng, màu xanh lá cây sáng đồng đều ở phía trên và phần trên của hai bên. Chúng có bụng màu vàng lục nhạt, đuôi màu đỏ gạch sẫm và có viền mờ ở hai bên, vùng trên môi, dưới môi, cằm và cổ có màu xanh lam. Đặc biệt loài này có mắt màu vàng sáng, có vệt sau mắt màu trắng ở cả con đực và con cái.

Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng những con rắn này thuộc một loài rắn đã được biết đến. Tuy nhiên khi kết hợp dữ liệu so sánh hình thái và sinh học phân tử đã minh chứng loài Rắn lục mép xanh dương phân bố ở Vùng duyên hải Nam Trung Bộ là một loài mới của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu về sinh học phân tử khi phân tích, so sánh trình tự một số gene (cyt b, ND4 và 16S rRNA) và xây dựng mối quan hệ phát sinh chủng loại cho thấy loài Trimeresurus cyanolabris tạo thành một nhánh riêng biệt. Chúng cũng khác với loài T. rubeus có hình thái tương tự do sự khác biệt đáng kể trong trình tự gene ty thể cyt b (p = 6,0%).

Rắn lục mép xanh dương (mẫu con cái trưởng thành). Ảnh: Poyarkov NA

Hiện nay, loài Rắn lục mép xanh dương mới chỉ ghi nhận ở các khu vực thuộc Vùng duyên hải Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận). Sinh cảnh sống của loài mới được ghi nhận tại các khu rừng khô nhiệt đới, độ cao từ thấp đến trung bình (khoảng 90-400 m so với mực nước biển), thường sống trên các hốc cây, cây bụi, cây gỗ nhỏ và thảm lá rụng.

Sinh cảnh sống của Rắn lục mép xanh dương, tại VQG Núi Chúa. Ảnh: Bragin AM

Trước đó, các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và các cộng sự cũng công bố 2 loài mới cho khoa học (loài Thằn lằn mù và Thằn lằn giun Núi Chúa) được ghi nhận tại khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận). Việc phát hiện mới về loài Rắn lục mép xanh dương giúp củng cố tầm quan trọng của khu vực rừng nhiệt đới Vùng duyên hải Nam Trung Bộ như một trung tâm khu vực về đa dạng động vật lưỡng cư và bò sát.

Các nhà khoa học cũng lưu ý cần tiếp tục nghiên cứu thành phần phân loại, phân bố, sinh thái và độc tính của các loài Rắn lục châu Á tại Việt Nam. Đồng thời thực hiện hoạt động giáo dục bảo tồn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sơ cứu trong các trường hợp bị rắn cắn cũng như bảo tồn các loài rắn tại Việt Nam.

Như Quỳnh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020