Con người cảm thấy ít đói hơn khi trời ấm lên. Ảnh: Vaya
Các nhà khoa học từ lâu đã xem xét ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự thèm ăn. "Điều chúng ta biết là những người ở môi trường lạnh hơn sẽ tiêu thụ nhiều calo hơn", Allison Childress, chuyên gia dinh dưỡng kiêm phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Texas, cho biết. Có một lý do sinh học cho điều này. Calo là một đơn vị năng lượng, đốt cháy calo có thể giải phóng nhiệt, giúp con người duy trì thân nhiệt trong thời tiết lạnh.
Nhưng khi mùa đông qua đi và trời ấm lên, mọi người nhận thấy mình ít đói hơn nhiều. Giới khoa học vẫn chưa rõ chính xác cơ chế đằng sau hiện tượng này. Childress cho biết, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng calo nạp vào.
Matt Carter, nhà khoa học thần kinh tại Đại học Williams ở Massachusetts, cũng đồng tình với ý kiến này. Theo ông, nhiều biến số - bao gồm hormone, protein và các yếu tố môi trường - tác động đến cách thức, nguyên nhân con người cảm thấy đói, cũng như lý do cảm giác đó giảm khi trời nóng.
Cơ thể người luôn cố gắng duy trì ổn định các điều kiện bên trong, gọi là cân bằng nội môi. Đó là lý do tại sao con người đổ mồ hôi dưới ánh nắng Mặt Trời oi bức hay uống nước sau khi tập luyện vất vả. Đói cũng là cân bằng nội môi. Con người thấy đói khi cơ thể ít calo và no sau khi ăn.
Những món ăn đông lạnh như kem thực chất có thể làm tăng thân nhiệt vì thường giàu calo. Ảnh: PM Images
Nhiều quá trình cân bằng nội môi được duy trì nhờ các hormone, chúng hoạt động như "người đưa tin" hóa học trong cơ thể. Hai hormone ghrelin và leptin đóng vai trò lớn trong cảm giác thèm ăn và no. Dạ dày giải phóng ghrelin khi đói. Leptin được các tế bào mỡ tiết ra, giúp thông báo cho não khi cơ thể đã no.
Để tác động đến cảm xúc và hành vi của con người, các hormone này sẽ báo hiệu cho vùng dưới đồi, phần não có chức năng điều chỉnh những khía cạnh như thân nhiệt, cơn đói, cơn khát. Carter cho biết, ở đáy vùng dưới đồi là một khối tế bào thần kinh chuyên biệt điều phối cảm giác đói và no. Tại đó, ghrelin kích thích những tế bào thần kinh gắn liền với cơn đói, gọi là AgRP. Trong khi đó, leptin ức chế chúng và kích thích tế bào thần kinh POMC, gây ra cảm giác no.
Tuy nhiên, cách nhiệt độ ảnh hưởng đến hệ thống phức tạp này vẫn cần nghiên cứu thêm. Não có cảm biến nhiệt là các protein thay đổi hình dạng khi cơ thể đạt độ ấm nhất định. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí eLife năm 2020 phát hiện, ở chuột, một số tế bào não sẽ truyền thông tin cho tế bào thần kinh AgRP khi nhiệt độ thấp, làm tăng cảm giác đói.
Theo một nghiên cứu khác trên tạp chí PLOS Biology năm 2018, các tế bào thần kinh POMC có một loại protein cảm biến nhiệt được kích hoạt khi thân nhiệt tăng. Nhưng theo Carter, những mạch thần kinh khác cũng có thể phối hợp với nhau tác động đến lượng thức ăn mà con người tiêu thụ.
"Con người có những cơ chế sinh học và nhiệt độ nóng lạnh, nhưng một điều quan trọng cần biết là chúng ta có thể bỏ qua những cơ chế sinh học đó", Childress nói. Đôi khi con người mất khả năng lắng nghe những tín hiệu cơ thể, ví dụ như ăn vượt mức no hoặc không ăn khi đói.
Childress lưu ý rằng vào mùa hè, cần giữ cho cơ thể đủ nước, dù bằng cách ăn những thực phẩm nhiều nước như rau quả hay uống nước trực tiếp. Những món đông lạnh như kem thực chất có thể làm tăng thân nhiệt vì thường giàu calo.
Thu Thảo (Theo Live Science)