Mảnh tên lửa đâm vào Mặt Trăng ngày 4/3/2022 tạo ra hố trũng kép. Ảnh: NASA/GSFC/Đại học Bang Arizona
Đầu năm nay, các nhà thiên văn học xác định, một mảnh tên lửa bí ẩn sẽ đâm vào bề mặt Mặt Trăng ngày 4/3. Tính toán của họ cho thấy địa điểm va chạm nằm bên trong Hertzsprung - vùng trũng có đường kính 570 km ở phía xa của Mặt Trăng.
Hôm 23/6, các nhà nghiên cứu tham gia nhiệm vụ Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng (LRO) của NASA thông báo rằng con tàu đã phát hiện hố trũng mới tại Hertzsprung - gần như chắc chắn là "nơi an nghỉ" của mảnh tên lửa. Thực tế, hình ảnh của LRO cho thấy vụ va chạm tạo ra hố trũng kép, hố thứ nhất rộng khoảng 18 m và nằm chồng lên hố thứ hai rộng khoảng 16 m ở phía tây.
"Việc xuất hiện hố trũng kép nằm ngoài dự đoán và có thể chỉ ra rằng mỗi đầu của mảnh tên lửa đều có khối lượng lớn", chuyên gia Mark Robinson tại Đại học bang Arizona, người phụ trách Camera Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng (CLRO), cho biết.
"Thông thường, tên lửa đã qua sử dụng có khối lượng tập trung ở đầu gắn động cơ, phần còn lại của tầng tên lửa chủ yếu chứa bể nhiên liệu rỗng. Vì nguồn gốc mảnh tên lửa này vẫn chưa rõ ràng nên tính chất kép của hố trũng có thể giúp xác định danh tính tên lửa", Robinson giải thích.
Mảnh tên lửa đâm vào Mặt Trăng đến nay vẫn còn là bí ẩn. Những suy đoán ban đầu cho rằng đây là tầng trên của tên lửa Falcon 9 (SpaceX) dùng để phóng Đài quan sát Khí hậu Không gian Sâu (DSCOVR) của NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) vào tháng 2/2015.
Tuy nhiên, sau khi quan sát và tính toán kỹ lưỡng hơn, nhiều nhà khoa học nhận định rằng mảnh vỡ có thể là một phần của Trường Chinh 3 - tên lửa đã phóng tàu Hằng Nga 5-T1 của Trung Quốc lên quỹ đạo Mặt Trăng tháng 10/2014. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận điều này.
Trước đây, một số mảnh tên lửa cũng đã đâm xuống bề mặt Mặt Trăng. Ví dụ, NASA từng điều khiển tầng thứ ba của tên lửa Saturn V lao vào Mặt Trăng nhiều lần trong chương trình Apollo. Tuy nhiên, hành động này được thực hiện có chủ đích còn sự kiện hôm 4/3 đánh dấu lần đầu tiên một mảnh tên lửa vô tình lao xuống bề mặt Mặt Trăng. Một số loại phương tiện không gian khác cũng đã vô tình đâm vào Mặt Trăng - khi hạ cánh không thành công.
Robinson cho biết, không có vụ va chạm nào của Saturn V tạo ra hố trũng kép giống như sự kiện hôm 4/3. Các hố trũng do Saturn V để lại đều rộng hơn 35 m, trong khi phần dài nhất của hố kép mới chỉ là 29 m.
Thu Thảo (Theo Space)