Chuyên mục  


Kangaroo dìm chết chó nhà

kangaroo-tim-cach-dim-chet-cho-nha-1701488313.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=T5pSq8W1bY-ZwcEJm10O0g
Kangaroo tìm cách dìm chết chó nhà

Con kangaroo tấn công chó của Mick Moloney. Video: 9 news

Hồi tháng 10/2023, một người đàn ông tên Mick Moloney giải cứu chó cưng tên Hutchy trên sông Murray ở Victoria, Australia, sau khi nó bị một con kangaroo xám miền Đông (Macropus giganteus) ấn đầu xuống nước. Moloney đưa Hutchy lên bờ an toàn nhưng cũng trúng cú đấm từ con kangaroo hung dữ.

Đây không phải lần đầu tiên kangaroo xử sự như vậy đối với chó nhà. Loài thú có túi này có thể đang tìm cách bảo vệ an toàn cho chính nó. Kangaroo coi chó là mối đe dọa bởi chúng rất giống chó hoang, một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng, theo Euan Ritchie, giáo sư sinh thái học và bảo tồn động vật hoang dã ở Đại học Deakin tại Australia. Theo nhà nghiên cứu, nhảy xuống nước là cách kangaroo học được để sống sót trước đòn tấn công của chó hoang, động vật ăn thịt bản xứ hàng đầu cùng tồn tại với chúng suốt hàng nghìn năm.

Cá sấu trinh sản

Các nhà nghiên cứu ghi nhận trường hợp trinh sản đầu tiên ở cá sấu hồi tháng 6 năm nay. Một con cá sấu Mỹ cái (Crocodylus acutus) đẻ ổ trứng ở công viên bò sát tại Costa Rica sau 16 năm sống đơn độc.

Dạng sinh sản vô tính này chưa bao giờ được bắt gặp ở cá sấu trước đây, dù từng xảy ra ở thằn lằn, rắn, chim và cá mập. Ổ trứng cá sấu không nở, nhưng phân tích di truyền phôi thai bên trong một quả trứng hé lộ nó gần như giống hệt con mẹ. Nhóm tác giả nghiên cứu cho biết con non ra đời theo cách như vậy thường bị dị tật và không thể sống sót.

Cá heo trộm bẫy cua

ca-heo-trom-moi-bat-cua-cua-ngu-dan-1700298799.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BF6lVloULgggYmISbBWZ5w
Cá heo trộm mồi bắt cua của ngư dân

Camera ghi lại hành vi trộm mồi nhử của cá heo. Video:Trung tâm khám phá cá heo

Cá heo mũi chai bị bắt gặp trộn mồi nhử của ngư dân ở tây Australia. Cá heo sử dụng mõm và răng để chôm chỉa cá từ lưới dùng cho bẫy cua. Những chuyên gia bảo tồn ghi lại hành vi lần đầu tiên năm 2023, hé lộ những cách khác nhau mà cá heo học được để mở bẫy của ngư dân. "Phiên bản đơn giản nhất là cá heo giật mồi nhử treo ở móc hoặc chốt kim loại bên trong bẫy cua. Vì vậy về cơ bản, cá heo giật cá ra khỏi chốt hoặc chia thành nhiều miếng dễ ăn", nhà quay phim Axel Grossmann chia sẻ với Live Science vào tháng 11/2023.

Để ngăn chặn chúng, một số ngư dân đặt mồi nhử bên dưới bẫy cua, buộc cá heo phải sử dụng kỹ thuật phức tạp hơn. Nhưng chúng nhanh chóng tìm ra cách dùng hàm và thân lật đổ bẫy cua để tiếp cận mồi nhử dễ dàng hơn. Những con cá heo thậm chí mở hộp nhựa dùng để chứa mồi nhử.

Cá sấu cứu chó nhà

Ba con cá sấu đầm lầy (Crocodylus palustris) dường như cố gắng giúp một con chó nhỏ tuổi bị đàn chó hoang rượt đuổi xuống sông bằng cách đẩy nó tới nơi an toàn. Nhóm nghiên cứu chứng kiến sự việc coi hành vi của cá sấu là sự cảm thông. Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi đối với phát hiện. "Cá sấu có một loạt hành vi phức tạp", Duncan Leitch, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu sinh lý học thần kinh của bò sát ở Đại học California, Los Angeles, cho biết. "Nhưng kết luận nêu trên đang sử dụng định nghĩa của con người về trí tuệ và tìm cách gán cho cá sấu".

Cá voi sát thủ ăn 7 con rái cá

Xác những con rái cá nguyên vẹn được lấy ra từ bụng cá voi sát thủ cái mắc cạn. Ảnh:Sergey V. Fomin

Hồi tháng 9/2023, các nhà khoa học mô tả một con cá voi sát thủ mắc cạn (Orcinus orca) với xác 7 con rái cá nguyên vẹn trong bụng. Cá voi sát thủ thường không ăn rái cá (Enhydra lutris) và chuyên nhai động vật biển có vú, vì vậy giới nghiên cứu khá bối rối về lý do con cá voi sát thủ này nuốt chửng nhiều rái cá như vậy. Điều kỳ lạ hơn là nó được tìm thấy ở ven biển quần đảo Commander thuộc vùng Viễn Đông, Nga, cách xa phạm vi sinh sống thông thường giữa vịnh Alaska và vùng biển California. Một con rái cá mắc kẹt giữa khoang miệng và thực quản của cá voi sát thủ có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nó.

An Khang (Theo Live Science)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020