Chuyên mục  


Capture-JPG-5608-1626668515.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LevuiA0iPthzubbV5MeeOw

Tỷ phú Jeff Bezos. Ảnh: Blue Origin.

Bezos, cựu giám đốc điều hành Amazon, sẽ tham gia chuyến bay kéo dài 11 phút cùng với 3 thành viên phi hành đoàn khác hôm 20/7, trùng với dịp kỷ niệm 52 năm ngày tàu Apollo 11 đáp xuống Mặt Trăng. Tàu New Shepard vận hành tự động và có thể chở 6 hành khách, sẽ phóng từ bệ phóng ở Tây Texas tới độ cao 100 km, thường được coi là ranh giới vũ trụ.

Bay vào không gian là ngành tiềm ẩn rủi ro. Những yếu tố chính ảnh hưởng tới nguy cơ bao gồm trình độ kinh nghiệm của công ty phóng, số lần phóng mà phương tiện từng thực hiện và loại động cơ tên lửa sử dụng, theo Joseph Fragola, giám đốc điều hành Asti Group, LLC kiêm kỹ sư hệ thống từng tính toán rủi ro cho NASA trong nhiều thập kỷ. Blue Origin, công ty hàng không vũ trụ của Bezos, đã phóng tàu New Shepard 15 lần trong những chuyến bay thử nghiệm không người lái và chỉ thất bại một phần với sự cố trong đó khoang chở khách hạ cánh an toàn nhưng động cơ đẩy tên lửa đâm xuống đất.

Ngoài kinh nghiệm phóng tàu của công ty Blue Origin, tàu New Shepard sẽ chỉ bay chặng ngắn thay vì tiến vào quỹ đạo, và chỉ sử dụng động cơ tương đối đơn giản, theo Blake Putney, kỹ sư điện làm về phân tích rủi ro cho các phương tiện của NASA. Động cơ BE-3 của tàu New Shepard sản sinh lực đẩy khoảng 50.000 kg khi cất cánh, ít hơn nhiều so với động cơ đẩy tàu con thoi của NASA là 544.000 kg tại bệ phóng.

Phần lớn rủi ro trong chuyến bay vào không gian phụ thuộc vào độ mạnh và độ phức tạp của động cơ. Động cơ tàu con thoi rất phức tạp và cần khai hỏa trong thời gian dài để chở phi hành đoàn vào không gian, có nghĩa thời gian có thể xảy ra sự cố trong quá trình cất cánh sẽ lâu hơn.

Sau thảm họa của tàu Challenger năm 1986, Fragola tính toán tỷ lệ phóng thất bại của đội tàu con thoi với độ phức tạp cao là 1/120, một con số khá chính xác. Chương trình tàu con thoi đã trải qua 135 nhiệm vụ trong 30 năm và gặp phải hai thảm kịch suốt thời gian đó. Tàu con thoi Challenger nổ tung chỉ 73 giây sau khi cất cánh, khiến cả 7 thành viên phi hành đoàn trên tàu đều thiệt mạng. Nhưng cả hai chuyên gia đều đồng ý phần lớn phương tiện phóng từng bay nhiều lần có tỷ lệ thất bại khoảng 1/1.000 chuyến bay. Để so sánh, nguy cơ xảy ra thảm họa với máy bay ở Mỹ nằm trong khoảng 1/100.000.000 - 1/1.000.000.000.

Khi xem xét kinh nghiệm của Blue Origin từ trước tới nay, Fragola tính toán tỷ lệ tên lửa gặp trục trặc là 1/100 - 1/500, nhưng ước tính chuẩn nhất là 1/200. Tuy nhiên, do khoang chở phi hành đoàn New Shepard cách xa động cơ, có thể tách ra và thoát hiểm trong trường hợp gặp sự cố, Fragola sẽ tăng ước tính về mức độ an toàn.

Dựa trên các hệ thống tương tự, quy trình hủy phóng kiểu này thường có tỷ lệ thành công là 80%, vì vậy nguy cơ Bezos và các hành khách đồng hành không sống sót trong chuyến bay là 1/1.000, giống như bất kỳ phi hành gia nào khác bay bằng tên lửa.

Putney không thể đưa ra con số chính xác về tỷ lệ thành công, nhưng nhấn mạnh một yếu tố rủi ro lớn khác là hệ thống dù ở khoang chở khách chịu trách nhiệm đưa phi hành đoàn hạ cánh an toàn. Nếu gió thổi mạnh và tạt ngang, khoang tàu có thể lộn nhào.

Với thời gian bay ngắn của tàu New Shepard, chuyên viên vận hành có thể dự đoán thời tiết với độ chính xác khá cao. Vì vậy, họ có thể xác định tốt thời điểm phóng phù hợp nhất để đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn. Theo Putney, rủi ro của Bezos lớn ngang nhà mạo hiểm người Áo Felix Baumgartner trong chuyến bay nhảy dù lập kỷ lục năm 2012 từ độ cao 36.576 m.

An Khang (Theo Space)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020