Tại sự kiện hợp tác công nghệ do Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức sáng 5/12, TS Lê Thị Hồng Vân, Giảng viên khoa dược, Đại học Y dược TP HCM giới thiệu quy trình công nghệ sản xuất cao từ tam thất hỗ trợ điều trị ung thư. Đây là thành quả nghiên cứu trong 2 năm của nhóm nhằm hỗ trợ bệnh nhân điều trị ung thư phổi và vú từ chiết xuất từ cây tam thất.
TS Lê Thị Hồng Vân, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chia sẻ tại sự kiện, sáng 5/12. Ảnh: Hà An
Tam thất có tên khoa học Panax notoginseng là một dạng nhân sâm phân bố chủ yếu tại Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai... sản lượng ước tính 15 - 20 tấn mỗi năm. Theo TS Vân, tam thất có chứa chất saponin và khoảng 20 axit amin, trong đó có 6 axit amin thiết yếu có thể kháng, ức chế tăng sinh tế một số tế bào ung thư phổi, ruột, gan, tụy, vú, trực tràng... Ngoài ra, tam thất có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, làm ngưng chảy máu, bồi bổ, tăng lực. Củ tam thất có khả năng sinh trưởng mạnh, nên khi cây đủ 3 - 4 năm có thể thu hoạch. Tam thất bán trên thị trường chủ yếu dạng bột, viên nang.
Nhóm đã xây dựng quy trình sản xuất cao tam thất dạng lỏng và dạng đặc hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư với dược tính cao. Hơn 30 nguồn tam thất ở các vùng trồng khác nhau được nhóm nghiên cứu thu thập, đánh giá hàm lượng saponin và các hoạt tính kháng ung thư. Tam thất được chọn đưa vào hấp hơi và chiết bằng dung môi cồn ở nồng độ 80% trong 3 giờ với tỷ lệ tối ưu để cho ra sản phẩm cao với hàm lượng saponin tốt nhất. Sản phẩm là cao tam thất dạng lỏng chứa 88,3 mg saponin, có khả năng hấp thu vào cơ thể nhanh hơn so với dạng viên đang có trên thị trường. Do tam thất có vị đắng đặc trưng, nhóm nghiên cứu tạo chất điều vị với quả táo đỏ với vị ngọt để giúp người sử dụng dễ uống hơn.
Nhóm nghiên cứu thử nghiệm trên chuột trong 3 - 6 tháng để đánh giá khả năng kháng khối u của cao tam thất. Chuột được gây ung thư bằng DMBA có thể tạo khối u trên da và nội tạng. Kết quả cho thấy, cao tam thất khống chế kích thước khối u trên da chuột. Điều này khiến khối u phát triển chậm hơn so với nhóm chuột không sử dụng. Cao tam thất cũng làm hoại tử tế bào ung thư với các khối u ở phổi. Trong đó, cao đặc tác động hoại tử tế bào ung thư phổi tốt hơn so với cao lỏng. Tác động này tăng lên khi phối hợp giữa cao đặc tam thất với chất paclitaxel.
Theo TS Vân, đây là những kết quả bước đầu về dược lý cơ bản của cao tam thất khống chế tế bào ung thư. Cần có nghiên cứu sâu hơn và đầu tư giai đoạn tiếp theo để thử nghiệm trên người.
TS Nguyễn Thành Vũ, Trung tâm công nghệ sinh học TP HCM, lưu ý các nghiên cứu đã chỉ ra chế phẩm sâm nói chung có chất có thể gây kích hoạt những gene tăng sinh tế bào. Không loại trừ trường hợp các chất này có thể kích thích các tế bào ung thư tăng nhanh, có thể gây hại cho bệnh nhân. Do đó, nghiên cứu cần đánh giá các giai đoạn ung thư của bệnh nhân để khuyến cáo cách dùng, liều dùng phù hợp.
Ngoài ra, TS Vũ cho rằng các dược chất khống chế ung thư cần có độ ổn định để đảm bảo tính hiệu quả khi sử dụng. Ông mong muốn được hợp tác với nhóm nghiên cứu cho các thử nghiệm sản phẩm ở giai đoạn tới.
Ông Võ Ngọc Hải, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ cho biết, đơn vị sẽ hỗ trợ kết nối với các đối tác, nhà cung cấp, tư vấn các dịch vụ giúp nhóm nghiên cứu chuyển giao công nghệ để thị trường có sản phẩm mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Hà An