Chiến lược chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định với 3 mũi tấn công gồm: Xét nghiệm chủ động, công nghệ bắt buộc và vaccine.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ngay quy định sử dụng công nghệ bắt buộc tại Bắc Ninh, Bắc Giang và mở rộng ra toàn quốc.
Khó khăn khi dữ liệu chưa liên thông
Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai cùng lúc 3 ứng dụng hỗ trợ khai báo y tế (VHD, website tokhaiyte.vn), truy vết (Bluezone) và thông tin về dịch COVID-19 (NCOVI). Các ứng dụng này cũng được sử dụng để quét mã QR ghi nhận người vào, ra các địa điểm công cộng.
Tuy nhiên ở giai đoạn trước, mặc dù tính năng khai báo y tế có trên cả 3, nhưng cơ sở dữ liệu của các ứng dụng không liên thông, gây bất tiện cho người dùng.
"Trước khi đợt dịch này bùng phát, tôi hay công tác ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Dù đã khai báo trên webside tokhaiyte.vn và nghĩ rằng trên Bluezone sẽ đồng bộ. Tuy nhiên khi ra sân bay tôi lại phải khai từ đầu, rất bất tiện," chị Hà Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Anh Đức Huy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại chia sẻ trong ngày bầu cử 23/5, khi ra điểm bỏ phiếu anh vẫn phải khai báo y tế bằng giấy thay vì quét mã QR trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone.
[Giải pháp công nghệ là lựa chọn tối ưu để truy vết phòng, chống dịch]
Theo ông Đỗ Lập Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, thuộc Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, trước đây, có trường hợp người dân khai báo y tế trên app NCOVI, sau đó tải thêm Bluezone để bảo vệ bản thân. Khi đến một điểm kiểm dịch, mở chức năng khai báo y tế trên Bluezone thì lại không có dữ liệu đã khai báo trước đó.
"Ở chiều ngược lại, nhóm truy vết khi truy cập thông tin của app Bluezone thì dữ liệu trong app chỉ là mã số của điện thoại. Họ phải tìm thông tin tương ứng ở kho dữ liệu của NCOVI hay VHD để biết người đã tiếp xúc gần là ai, ở đâu. Quy trình này sẽ làm giảm tốc độ truy vết," ông Hiển cho biết.
Chính vì vậy, thực hiện yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Cục Tin học hóa đã họp với các cơ quan Bộ Y tế và thống nhất dữ liệu khai báo y tế, dữ liệu kiểm soát vào ra đều được cập nhật về một nơi để phục vụ nghiên cứu, phân tích phòng chống dịch. Mô hình đồng bộ dữ liệu tổng thể giữa các ứng dụng, cấu trúc gói tin và chuẩn kết nối cũng đã được các đơn vị thiết kế xong.
Trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các ứng dụng chống dịch hiện nay đã sử dụng kho dữ liệu đồng nhất.
Cũng theo theo đại diện của Trung tâm Chính phủ điện tử, khi cập nhật lên phiên bản mới nhất, các ứng dụng sẽ sử dụng dữ liệu đã liên thông. Điều này nhằm đảm bảo trải nghiệm của người dân xuyên suốt, không bị ảnh hưởng. Phiên bản Bluezone mới nhất sẽ được cập nhật trên kho ứng dụng iOS, Android trong tuần này.
Ai sẽ phạt người dùng khi không cài ứng dụng phòng COVID-19?
Dù đã được tuyên truyền về việc cài đặt các ứng dụng chống dịch, nhiều người dùng cho biết họ gặp những khó khăn, bất tiện khi sử dụng.
Đơn cử như ứng dụng Bluezone, việc phải bật liên tục kết nối Bluetooth khiến người dùng lo ngại tốn pin điện thoại. Nhiều người cũng nghi ngờ việc ứng dụng này sẽ theo dõi, đánh cắp dữ liệu. Bên cạnh đó, thông tin về việc người dân không cài Bluezone có thể bị phạt cũng gây hoang mang...
Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), quy định nêu rõ khi đến nơi công cộng, đông người thì bắt buộc phải cài đặt ứng dụng Bluezone và bật Bluetooth. Nếu như ở không gian cá nhân, ở nhà hoặc nơi không đông người thì không nhất thiết. Việc xử phạt sẽ tùy theo nguy cơ hoặc diễn biến của dịch bệnh ở địa phương.
"Như vậy, tùy thuộc vào tình hình ở địa phương, việc xử phạt sẽ được giao cho các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tự xem xét và quyết định," ông Nam chia sẻ.
Với vấn đề đảm bảo thông tin cá nhân của người dân, ông Đỗ Lập Hiển cho biết dữ liệu hiện nay theo quy định sẽ xóa sau 30 ngày. Con số này có thể thay đổi tùy vào diễn biến dịch bệnh và yêu cầu của Bộ Y tế.
“Dữ liệu hiện tại đang đặt sẵn sẽ xóa sau một tháng và khi đã xóa thì không ai có thể lấy lại được, nhằm đảm bảo sự riêng tư của người dùng,” ông Hiển cho biết.
Vẫn theo ông Hiển, do yêu cầu, nhiều đơn vị có thể truy cập các dữ liệu chống dịch. Tuy nhiên, tùy vào phạm vi, nhu cầu mà các đối tượng này sẽ bị giới hạn phạm vi truy cập...
Ngoài ra, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thiết bị đeo tay giám sát cách ly được triển khai từ 1/6, trước mắt cho công nhân ở các khu công nghiệp. Vòng tay này là một thành phần của hệ thống liên hoàn, dữ liệu cũng sẽ được chia sẻ với các ứng dụng khác để đảm bảo quy định cách ly.
"Hiện tại, giải pháp vòng tay mới đang triển khai thử nghiệm theo yêu cầu của Bộ Y tế. Dù ứng dụng công nghệ gì thì chúng tôi cũng đảm bảo dữ liệu được gắn với ứng dụng, là một phần của hệ thống," ông Hiển chia sẻ./.