Sao Kim thường được gọi là hành tinh song sinh với Trái Đất. Ảnh: CNN.
Giám đốc NASA Bill Nelson công bố nhiệm vụ mới hôm 2/6 trên sóng tường thuật trực tiếp bài phát biển State of NASA. Hai nhiệm vụ mang tên DAVINCI+ và VERITAS được lựa chọn từ danh sách cuối cùng gồm 4 tàu vũ trụ trong chương trình Discovery. Hai tàu vũ trụ còn lại sẽ ghé thăm mặt trăng núi lửa Io của sao Mộc và Triton, mặt trăng lớn nhất của sao Hải Vương.
DAVINCI+ (Deep Atmosphere Venus Investigation of Noble Gases, Chemistry and Imaging) sẽ lao qua khí quyển sao Kim để tìm hiểu về sự thay đổi của nó theo thời gian. Trong khi đó, nhiệm vụ VERITAS (Venus Emissivity, Radio Science, InSAR, Topography and Spectroscopy) sẽ sử dụng radar để lập bản đồ chi tiết bề mặt sao Kim từ quỹ đạo.
"Chúng tôi hy vọng những nhiệm vụ này sẽ mở rộng hiểu biết về quá trình tiến hóa của Trái Đất và lý do tại sao hành tinh có thể ở được còn các nơi khác trong hệ Mặt Trời lại không", Nelson chia sẻ.
Các nhiệm vụ khám phá có kinh phí 500 triệu USD, bao gồm chi phí phóng tàu và vận hành nhiệm vụ. Cả hai nhiệm vụ sao Kim mới sẽ phóng trong năm 2028 - 2030 và sẽ mang theo nhiều công nghệ thử nghiệm cũng như thiết bị khoa học chủ chốt.
VERITAS sẽ trang bị Đồng hồ nguyên tử không gian sâu 2, phiên bản kế nhiệm của công nghệ từng được phóng lên quỹ đạo Trái Đất vào tháng 6/2019. Tín hiệu đồng hồ siêu chính xác sẽ cho phép thực hiện những thao tác điều khiển tàu vũ trụ tự động và tăng cường quan sát khoa học vô tuyến.
VERITAS sẽ lập bản đồ bề mặt hành tinh nhằm khám phá sao Kim tiến hóa khác với Trái Đất như thế nào. Trái Đất thường được gọi là hành tinh song sinh của sao Kim vì cả hai có kích thước tương đương. Nhiệm vụ cũng thu thập dữ liệu về lịch sử địa chất của sao Kim. Với radar, tàu vũ trụ bay quanh quỹ đạo có thể tạo bản đồ địa hình 3D, cho phép các nhà khoa học xác định mức độ của hoạt động núi lửa, đồng thời nghiên cứu phát xạ hồng ngoại từ bề mặt hành tinh.
DAVINCI+ sẽ mang Quang phổ kế chụp ảnh từ cực tím tới ánh sáng khả kiến cỡ nhỏ, tạo ra các phép đo có độ phân giải cao bằng ánh sáng cực tím, sử dụng thiết bị mới dựa trên quang hình tự do. Những quan sát này sẽ được sử dụng để xác định bản chất của vật hấp thụ cực tím trong khí quyển sao Kim.
Con tàu sẽ phân tích khí quyển sao Kim để xác định quá trình hình thành và tiến hóa. Nhiệm vụ cũng tìm hiểu khả năng tồn tại đại dương trong quá khứ của sao Kim. Các thiết bị trên tàu bao gồm camera sẽ được bảo vệ khỏi môi trường khắc nghiệt trên hành tinh bằng một khối cầu. Phương tiện được thiết kế để truyền về ảnh chụp độ phân giải cao của đặc điểm độc đáo mang tên "tesserae". Tesserae có thể giống lục địa trên Trái Đất, có nghĩa sao Kim có thể chứa mảng kiến tạo. DAVINCI+ sẽ là nhiệm vụ nghiên cứu khí quyển sao Kim đầu tiên của Mỹ từ năm 1978.
Sao Kim có thể là hành tinh ở được đầu tiên trong hệ Mặt Trời, bao gồm đại dương và khí quyển tương tự Trái Đất. Nhưng điều gì đó xảy ra trong quá khứ đã biến sao Kim thành hành tinh với nhiệt độ đủ nóng để đun chảy chì. Nhiều khả năng sao Kim có nhiệt độ ổn định và nước lỏng trong hàng tỷ năm trước khi một sự kiện dẫn tới những thay đổi lớn trên hành tinh, theo nghiên cứu vào năm 2019. Ngày nay, sao Kim là hành tinh chết với khí quyển độc hại dày gấp 90 lần so với khí quyển Trái Đất và nhiệt độ bề mặt lên tới 462 độ C.
NASA mới chỉ tiến hành hai nhiệm vụ khám phá sao Kim gồm tàu Pioneer năm 1978 và tàu Magellan đầu thập niên 1990. Pioneer là nhiệm vụ đầu tiên hé lộ đại dương có thể tồn tại trên sao Kim. Nhưng đây là hành tinh thứ hai tính từ Mặt Trời, giới nghiên cứu cho rằng sao Kim không có điều kiện phù hợp để duy trì đại dương.
Chương trình Discovery của NASA khuyến khích các nhà khoa học và kỹ sư khám phá hệ Mặt Trời bằng cách thiết kế những nhiệm vụ mới. Từ năm 1992, chương trình đã hỗ trợ phát triển hơn 20 thiết bị khoa học và nhiệm vụ.
An Khang (Theo CNN)