Chuyên mục  


Ngày 11-11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) đã nêu tình trạng "sạn" trong sách giáo khoa và đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn nêu các giải pháp để nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Đây cũng là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn với tư lệnh ngành GD-ĐT.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TPHCM) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá bước đầu ưu điểm, hạn chế của chương trình học theo sách giáo khoa mới với lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh để có được một bộ sách giáo khoa chất lượng cần rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố về con người biên soạn là rất quan trọng, tiếp đó là quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến các đối tượng liên quan.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn ngày 10-11. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc Bộ GD-ĐT đang làm ráo riết thời gian qua là sửa đổi Thông tư 33 về quy trình, tiêu chuẩn biên soạn sách giáo khoa. Trong đó, Bộ GD-ĐT chủ trương không đợi các tác giả, nhà xuất bản mang bản thảo đến thì Bộ tổ chức thẩm định, mà Bộ sẽ giám sát, đồng hành cùng các nhóm tác giả ngay từ đầu. "Mặc dù xã hội hóa nhưng cần có sự giám sát, đồng hành toàn bộ quá trình của cơ quan quản lý, không phó thác cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 33 do Bộ GD-ĐT đang xây dựng cũng nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn của các thầy cô, nhà khoa học tham gia biên soạn sách. Các tổ chức, cá nhân phải đăng ký trước, tương tự như đăng ký kinh doanh để biết trước được kế hoạch; các cá nhân tham gia biên soạn sẽ không tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa.

"Hội đồng thẩm định sẽ có thêm một yêu cầu có thể sẽ tăng thêm áp lực cho các thầy cô là toàn bộ Hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào sách giáo khoa khi xuất bản, phải cùng chịu trách nhiệm"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói và nhấn mạnh cơ quan quản lý phải theo sát, giám sát, đồng hành, hỗ trợ toàn bộ, không phó thác cho các tổ chức, cá nhân thì mới có thể nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chúng ta được nghe nói, biết nhiều qua phương tiện thông tin đại chúng về "sỏi và sạn" trong sách giáo khoa. "Có một viên sạn thì mạng nói nhiều, nhưng trong đó là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, nhà khoa học thì ít ai nói đến, liệu có công bằng không"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho biết vừa qua, Bộ phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm tổng kết, đánh giá về 1 năm triển khai sách giáo khoa mới, cho thấy ý kiến của các giáo viên trực tiếp dạy cho lớp 1, với sách giáo khoa mới, được thiết kế theo chương trình năm 2018 với tính mở, các giáo viên rất hào hứng.

Bộ trưởng cho rằng các ý kiến đánh giá đó cho thấy chủ trương xây dựng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo hướng từ trang bị kiến thức cho học sinh chuyển sang phát triển năng lực của học sinh là một hướng đi đúng. Đồng thời, Nghị quyết 88 của Quốc hội là đúng đắn trong việc đổi mới chương trình phổ thông, người dạy hào hứng hơn, học sinh lớp 1 chủ động hơn, khả năng đọc viết năng động hơn.

"Để đánh giá cả chương trình phổ thông mà chỉ qua lớp 1 thì chưa nói lên được nhiều điều, nhưng nó là dấu hiệu cho chúng ta quyết tâm với con đường đổi mới chúng ta đã chọn. Không vì một vài viên sỏi, sạn mà nghi ngờ cả một chủ trương rất lớn của Đảng, Quốc hội và ngành giáo dục"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020