Hổ Tasmania từng phân bố rộng rãi ở Australia, Tasmania, và New Guinea. Ảnh: Wikimedia
Công ty công nghệ sinh học Colossal Biosciences đạt cột mốc lớn trong nhiệm vụ hồi sinh những loài động vật tuyệt chủng khi nhận thêm khoản vốn 200 triệu USD từ TWG Global, nâng tổng vốn lên 435 triệu USD. Họ đang sử dụng số tiền này để tiên phong phát triển công cụ đẩy lùi tuyệt chủng, góp phần vào thành tựu trong bảo tồn động vật và chăm sóc sức khỏe con người, theo IFL Science.
Theo nhà đồng sáng lập Colossal, giáo sư George Church ở Trường y Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), công ty nhắm tới những mục tiêu tham vọng như hồi sinh voi ma mút, chim dodo, và hổ Tasmania thông qua công nghệ mang tính cách mạng. Một dự án chủ chốt của công ty xoay quanh hổ Tasmania hay còn gọi là thylacine, loài động vật có vú đã tuyệt chủng ở Australia, Tasmania, và New Guinea. Cá thể hổ Tasmania cuối cùng chết vào năm 1936.
Tạo ra hổ Tasmania ngoài tử cung là lựa chọn ưu tiên do không đòi hỏi vật mang thai hộ, nhưng mô phỏng môi trường tử cung không phải nhiệm vụ dễ dàng. Colossal thông báo họ không chỉ tạo ra nguyên mẫu tử cung nhân tạo mà còn dùng nó để nuôi dưỡng phôi thai động vật có vú đơn bào đã thụ tinh qua nửa thai kỳ.
Theo nhà đồng sáng lập khác của Colossal là Ben Lamm, hệ thống của họ tinh vi hơn nhiều so với bất kỳ thiết bị nào đang tồn tại, với khả năng điều chỉnh chính xác những kênh dẫn vi lưu và khí gas cho phép kiểm soát môi trường phôi thai phát triển. Hệ thống cũng cho phép chụp ảnh phôi thai đã đảm bảo các mốc phát triển đúng tiến độ. Thiết bị này rất quan trọng đối với nghiên cứu sự phát triển phôi thai, đảm bảo chỉnh sửa ADN thúc đẩy thay đổi phù hợp. Thông qua tử cung nhân tạo, Colossal có thể tạo ra hổ Tasmania ở quy mô cho phép đưa chúng trở lại tự nhiên mà không cần cá thể mang thai hộ. Ngoài ra, tử cung nhân tạo cũng giúp tạo ra động vật sống từ tế bào loài nguy cấp lưu trữ trong ngân hàng sinh học.
Động vật có vú rất thích hợp để thử nghiệm công nghệ này do có thời gian mang thai rất ngắn (chưa đầy hai tuần) với nhau thai rất ngắn trong thai kỳ. Có một số trở ngại cần vượt qua nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thay đổi của phôi thai ở từng giai đoạn phát triển, nhưng nếu thành công, nhà nghiên cứu có thể điều chỉnh hệ thống cho các nhóm động vật khác nhau.
Colossal công bố một số thành tựu mới bao gồm tạo ra hệ gene tham chiếu cho voi châu Phi, voi châu Á và đa man đá, cũng như thu thập hệ gene cổ đại của voi ma mút lông xoăn. Một phần chủ chốt trong mục tiêu của công ty là đưa kiểu hình chịu lạnh của voi ma mút vào các loài tương tự ngày nay. Họ đã chỉnh sửa thành công hơn 20 gene quan trọng liên quan tới những đặc điểm mấu chốt giúp loài này phát triển trong môi trường lạnh.
Ở chim đô đô, Colossal tập hợp nhiễm sắc thể của chim bồ câu Nicobar pigeon, họ hàng gần nhất của chim dodo và tạo ra một đàn đóng vai trò như vật hiến tế bào mầm nguyên bản cho cá thể chim dodo trong tương lai của Colossal. Công ty đã xây dựng phương pháp học máy nhằm xác định những gene gắn liền với hình dạng hộp sọ - mặt mà họ có thể dùng để tạo ra hình dạng mỏ đặc trưng của chim dodo.
An Khang (Theo IFL Science)