Theo tờ báo The Economic Times, Huawei đã phải sa thải hơn từ 60 đến 70% số nhân viên của mình đang làm việc tại Ấn Độ, đồng thời hạ mức doanh thu mục tiêu tại thị trường này trong năm 2020 xuống 50% so với ban đầu, từ mức 700-800 triệu USD xuống còn 350 đến 500 triệu USD. Năm 2017, Huawei đã đạt được doanh thu lên đến 1,2 tỷ USD tại thị trường Ấn Độ.
Huawei không đưa ra bình luận về thông tin do The Economic Times đăng tải, nhưng Huawei chi nhánh Ấn Độ cho biết vẫn sẽ tiếp tục “làm việc chặt chẽ” với các khách hàng của mình tại quốc gia này.
Huawei đang ngày càng mất đi nhiều thị trường quan trọng, cả ở lĩnh vực smartphone lẫn viễn thông (Ảnh minh họa)
Một trong những nguyên do khiến Huawei phải cắt giảm mạnh mức doanh thu mục tiêu vì làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc tại Ấn Độ, khi căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hiện nhiều người dùng tại Ấn Độ đã ngừng mua smartphone thương hiệu của Trung Quốc, trong đó có Huawei, như một cách để ủng hộ nước nhà. Điều này khiến doanh thu của Huawei từ Ấn Độ, một trong những thị trường smartphone lớn nhất thế giới, bị sụt giảm nghiêm trọng.
Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ cũng đang cân nhắc loại bỏ các công ty của Trung Quốc, trong đó có Huawei và ZTE, ra khỏi các dự án xây dựng mạng viễn thông 5G tại quốc gia này.
Theo nguồn tin của trang công nghệ PhoneArena, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các công ty viễn thông nhà nước và đề nghị các công ty viễn thông tư nhân không sử dụng thiết bị, hạ tầng của Huawei, ZTE trong việc triển khai hệ thống mạng 5G, đồng thời dần loại bỏ các thiết bị của Trung Quốc trên hạ tầng mạng hiện tại.
Bên cạnh Huawei, hiện có rất nhiều nhà sản xuất và cung cấp thiết bị viễn thông và mạng 5G, như Nokia, Ericsson… do vậy, các nhà mạng của Ấn Độ vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn nhà cung cấp để triển khai mạng 5G.
Nếu mất thị trường Ấn Độ, Huawei sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn khi hãng cũng đang dần mất đi nhiều thị trường lớn và quan trọng khác.
Sau khi bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen” từ năm 2019, Huawei cũng đã bị nhiều quốc gia đồng minh và thân cận của Mỹ như Anh, Úc, Canada… “cấm cửa”, không cho phép tham gia và triển khai hệ thống mạng 5G tại các quốc gia này. Gần đây nhất, Huawei cũng đã bị mất chỗ đứng tại thị trường Đông Nam Á khi nhiều nhà mạng lớn tại Singapore, Thái Lan, Malaysia… lựa chọn các nhà cung cấp thiết bị viễn thông khác, thay vì Huawei.
Riêng tại Việt Nam, cả 3 nhà mạng lớn là Mobifone, Vinaphone và Viettel đều “nói không” với Huawei trong triển khai mạng 5G.
T.ThủyTheo Economic Times/PA