Hài cốt của đôi tình nhân chôn chung mộ. Ảnh: Xinhua
Ngôi mộ được khai quật lần đầu tiên ở thành phố Đại Đồng thuộc tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc năm 2020. Cặp đôi nằm trong quan tài chôn dưới ngôi mộ. Cánh tay của người đàn ông choàng quanh eo người yêu. Người phụ nữ cũng tựa đầu lên vai anh ta. Nhóm nghiên cứu còn tìm thấy một chiếc nhẫn bạc trên ngón đeo nhẫn ở tay trái người phụ nữ.
Phân tích sâu hơn hé lộ một vết nứt nhiễm trùng chưa lành trên cánh tay phải của người đàn ông trong khi người phụ nữ dường như rất khỏe mạnh với bộ xương nguyên vẹn. Phát hiện này hé lộ đôi tình nhân có thể đã tự tử. Dù một số ngôi mộ tình nhân ôm nhau từ triều Bắc Ngụy từng được phát hiện trước đây, phát hiện khảo cổ mới chứa hai bộ hài cốt hoàn chỉnh vẫn khá hiếm gặp, theo nhóm nghiên cứu. Những ngôi mộ như vậy giúp các nhà khảo cổ tìm hiểu nhận thức xã hội về đời người và cái chết cũng như thái độ đối với tình yêu trong triều đại nhiều nhóm sắc tộc cùng chung sống, dẫn tới sự ra đời và lan rộng của chủ nghĩa đa nguyên.
Khu vực Đại Đồng thời cổ đại từng là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa. Thay vì làm đồ trang sức, chiếc nhẫn trên ngón tay người phụ nữ chủ yếu đóng vai trò biểu tượng cho tình yêu hoặc hôn nhân dưới thời Bắc Ngụy. Những ngôi mộ tình nhân đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước trên thế giới, bao gồm đôi tình nhân làng Valdaro ở Italy và hài cốt ôm nhau ở Alepotrypa, Hy Lạp.
Các chuyên gia đến từ Viện khảo cổ học Đại Đồng, Đại học Cát Lâm và Đại học Hạ Môn cùng tham gia nghiên cứu ngôi mộ ở Sơn Tây. Họ công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí International Journal of Osteoarchaeology.
An Khang (Theo Xinhua)