Chim đà điểu emu hoang dã ở Australia. Ảnh: iStock
Vào thập niên 1930, cuộc chiến độc nhất vô nhị nổ ra ở vùng xa xôi hẻo lánh của Australia. Sau Thế chiến I, hàng nghìn cựu binh chuyển tới Tây Australia do bị thu hút bởi chính sách khuyến khích khai hoang đất đai của chính phủ. Kết quả là hàng nghìn con đà điểu emu, loài chim không biết bay cao lớn, di cư vào những trang trại mới thiết lập để tìm kiếm thức ăn và giẫm đạp hoa màu. Phản ứng của chính phủ rất nhanh chóng và khác thường, đó là triển khai quân đội trang bị súng máy để tiêu diệt hơn 20.000 con đà điểu emu. Họ kỳ vọng vào một chiến thắng chớp nhoáng mang tính quyết định, nhưng không ngờ điều này sẽ mở ra "Chiến tranh đà điểu".
Hơn 5.000 binh lính được chính phủ Australia đưa tới định cư ở bang cực tây của nước này và trở thành nông dân. Tuy nhiên, điều kiện khắc nghiệt trong vùng khiến việc trồng trọt khó khăn do đất đai cằn cỗi và mưa thưa thớt. Một trận hạn nặng nề năm 1932 đẩy gần 20.000 con đà điểu emu tràn vào khu vực trang trại. Chúng phá hủy hàng rào tạo điều kiện cho những loài gây hại nhỏ hơn đột nhập vào trang trại.
Các nông dân kêu gọi chính quyền hỗ trợ. Ngày 2/11/1932, 3 binh sĩ thuộc Pháo binh Hoàng gia Australia đến nơi cùng hai khẩu súng máy. Nhiệm vụ đơn giản là loại bỏ chim đà điểu emu và bảo vệ mùa màng. Nhưng chiến dịch nhanh chóng rơi vào hỗn loạn. "Tôi nghĩ khi đó họ đã đánh giá thấp loài chim này. Họ không thành công bởi chim đà điểu emu là loài chim cực kỳ nhanh nhẹn", Sarah Comacchio, nhân viên ở vườn thú Taronga, Sydney, cho biết.
Trong 3 ngày đầu tiên, nhóm binh sĩ chỉ giết được 30 con đà điểu emu. Thay vì tập trung theo đàn lớn, chim đà điểu emu phân tán rải rác, trở thành mục tiêu đầy thách thức. Hai ngày sau, một khẩu súng máy bị kẹt trong trận phục kích ở đầm nước với hàng nghìn con đà điểu emu ở ngay trong tầm mắt.
Khi cuộc chiến lan rộng, công chúng bị thu hút bởi khả năng sống sót bền bỉ của đà điểu emu. Chúng thậm chí tạo thành từng nhóm nhỏ canh chừng để tránh bị bắt. Những tài xế xe tải gặp thất bại trong việc lùa đà điểu emu tới chỗ tay súng cho biết chúng có thể chạy trên mặt đất gồ ghề ở tốc độ 88,5 km/h. Các nhân chứng khác tỏ ra kinh ngạc trước khả năng sống sót qua làn đạn bắn của chúng.
45 ngày sau khi bắt đầu chiến dịch, binh sĩ chỉ giết được khoảng 2.500 con đà điểu emu, chiếm một phần nhỏ số lượng của chúng. Không lâu sau, những nhà vận động kêu gọi đối xử nhân đạo với loài vật và chính phủ cho ngừng chiến dịch, chim đà điểu emu trở thành kẻ chiến thắng cuối cùng.
Chiến tranh Đà điểu là minh chứng cho sức sống bền bỉ khó tin của loài chim này. Cao gần hai mét với sải bước hơn một mét, chim đà điểu emu nằm trong số nhóm chim không biết bay có tổ tiên là khủng long. Chúng là loài chim duy nhất có cơ bắp chân giúp chúng lao về phía trước. Cơ bắp cực khỏe mang đến cho chúng tốc độ và sức bền xuất sắc, có thể di chuyển 24 km/ngày để tìm kiếm thức ăn. Chuyển động của chúng rất khó dự đoán và có thể diễn ra theo bất kỳ hướng nào, theo Rowan Mott, nhà sinh thái học ở Hiệp hội Bush Heritage.
Dù đà điểu emu thường kiếm ăn một mình hoặc theo nhóm nhỏ, hạn hán có thể thôi thúc chúng hợp thành đàn lớn, biến đổi tập tính lang thang kiếm ăn đơn độc của chúng thành cuộc di chuyển tập thể khắp vùng đồng quê. Không chỉ sống sót sau Chiến tranh đà điểu, chúng đóng vai trò chủ chốt đối với hệ sinh thái thông qua phát tán hạt giống qua khoảng cách rộng, giúp thực vật tái tạo trên khắp Australia. Được bảo vệ theo đạo luật môi trường của Australia từ năm 1999, số lượng của chúng vẫn ổn định với hơn 600.000 con đà điểu emu hoang dã trên khắp lục địa.
An Khang (Theo National Geographic)