Chuyên mục  


Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, hiện nay trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về việc nghe các cuộc điện thoại từ đầu số nước ngoài như +375 (Belarus), +371 (Latvia), +381 (Serbia), +563 (Valparaiso), +370 (Vilnius), +255 (Tanzania)…

"Nếu gọi lại, họ có thể sao chép danh sách liên hệ của người nhận trong 3 giây và nếu có chi tiết ngân hàng hoặc thẻ tín dụng trên điện thoại thì cũng bị sao chép; nếu nhấn *#90 hoặc #09* trên điện thoại di động khi nhận được cuộc gọi trên sẽ bị truy cập vào thẻ SIM để chúng thực hiện cuộc gọi với tiền trong tài khoản điện thoại của người nhận và coi người nhận là tội phạm", thông tin lan truyền.

Tại Việt Nam, nghe điện thoại chắc chắn sẽ không mất tiền nhưng nếu gọi lại có thể mất nhiều tiền mỗi phút (Ảnh: VNTA).

Theo Cục Viễn thông, những cảnh báo lan truyền trên mạng xã hội như nêu trên là không chính xác. Tại Việt Nam không có bất kỳ dịch vụ điện thoại nào mà người nghe phải trả tiền (bao gồm cả cuộc gọi từ quốc tế về Việt Nam). Ngoài ra, việc gọi lại hoặc thao tác bấm *#90 hoặc #09* trên điện thoại di động sẽ bị sao chép thông tin liên lạc, ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản điện thoại của người dùng là không có cơ sở. 

Vì thế, người sử dụng nên tỉnh táo và không tiếp tay lan truyền những thông tin sai, làm hoang mang trong cộng đồng. Các cảnh báo lừa đảo, thông tin không rõ ràng được chia sẻ trên diễn đàn, mạng xã hội, người dùng có thể phản ánh với bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà mạng.

Nguy cơ mất tiền khi gọi lại vào số lạ 

Việc mất tiền với số điện thoại lạ thường rơi vào một trong hai tình huống. Đầu tiên là cuộc gọi với mục đích lừa đảo. Thứ hai là số lạ "nháy máy" để lôi kéo người dùng gọi lại để phát sinh cước viễn thông không mong muốn. Chẳng hạn, cước gọi đến số điện thoại vệ tinh trung bình 99.000 đồng/phút, cao nhất có thể đến 150.000 đồng/phút và bị tính cước ngay khi đổ chuông.

Người dùng không nên gọi lại vào số lạ nước ngoài, trừ khi biết rõ từ ai (Ảnh: VNTA).

Trường hợp lừa đảo thường theo một trong số các kịch bản như: đối tượng gọi điện thoại cho nạn nhân tự xưng là nhân viên điện lực thông báo đang nợ tiền điện, nhân viên chuyển phát thông báo có gói quà từ nước ngoài, nhân viên ngân hàng thông báo đang thiếu nợ ngân hàng, cảnh sát thông báo lỗi vi phạm giao thông hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia…  

Các đối tượng này đánh vào tâm lý người nghe rồi yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng, rồi tìm cách hù dọa, chiếm đoạt tài sản của người bị hại.

Nhằm đối phó với tình hình phức tạp trên, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng trong nước triển khai các biện pháp kỹ thuật chặn các cuộc gọi giả mạo mục đích lừa đảo. Từ tháng 7 đến tháng 9/2021, các nhà mạng đã ngăn chặn hơn 74 triệu cuộc gọi giả mạo. Việc nhắn tin và hiển thị tin nhắn FlashSMS để cảnh báo cũng được triển khai. 

Người dùng cần làm gì để tránh mất tiền?

Lưu ý, các cuộc gọi, tin nhắn từ quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu và hai số tiếp theo không phải là 84 (Mã Việt Nam). Đối với các cuộc gọi nháy máy từ số quốc tế, người dùng không nên gọi lại, trừ khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài. 

Đối với các cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc thông báo có quà từ bưu điện… người dùng tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào. Người dùng cũng không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.

Không nên vội vàng nghe điện thoại từ người lạ, những thông tin nghe mập mờ, không chính xác cần bình tình và thông tin, xác minh với những người khác nhằm tránh bị lợi dụng, lừa đảo tống tiền.

Gia An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020