Chuyên mục  


Chiều 27/2, tại TP HCM Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao với sự tham gia của đại diện các bộ ngành, khu công nghệ cao, lãnh đạo địa phương cùng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp. Nghị định 10 do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành ngày 1/2, hiệu lực từ 25/3 thay thế Nghị định 99 ban hành năm 2003.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, một trong những điểm mới của nghị định là việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các khu công nghệ cao trong giải quyết thủ tục hành chính. Đây là chủ trương của nhà nước trong việc tháo điểm nghẽn, thu hút các nhà đầu tư ngành công nghệ cao, đặc biệt là doanh nghiệp FDI và các đơn vị nghiên cứu phát triển (R&D).

Ông cho rằng, đặc thù của các nhà đầu tư công nghệ cao là họ tập trung công nghệ, rất ngại rào cản thủ tục hành chính. Do đó, thực hiện cơ chế một cửa mọi thủ tục đều thực hiện tại một đầu mối, rất quan trọng.

Dẫn chứng tại Malaysia, ông Duy nói các khu công nghệ cao tại quốc gia này giải quyết thủ tục hành chính rất đơn giản, do một đầu mối thực hiện, thậm chí giải quyết trực tuyến. Ông mong muốn khi triển khai Nghị định 10, các địa phương có khu công nghệ cao sẽ triển khai tối đa những quy định mà Chính phủ ủy quyền xuống địa phương theo hướng mạnh dạn phân cấp, phân quyền. "Việc này tạo điều kiện cho các khu công nghệ cao trong nước phát triển", ông Duy nói.

Sắp tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu Chính phủ tiếp tục đề xuất phân cấp, phân quyền trong hoạt động các khu công nghệ cao theo hướng ủy quyền tối đa.

Cổng chính Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 10/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Đồng tình, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) chia sẻ, Nghị định 10 với tinh thần phân quyền tối đa là điểm mới rất tích cực cho sự phát triển các khu công nghệ cao quốc gia. Ông cho rằng, cơ chế phân cấp phải được thực hiện theo nguyên tắc một cửa tại chỗ, tức mọi thủ tục quyết định tại Ban quản lý. Với cơ chế phân cấp, ủy quyền ông Thi đặt mục tiêu cải thiện mạnh mẽ ngay trong năm nay theo hướng giải quyết thủ tục hành chính nhanh nhất cho nhà đầu tư.

Lấy dẫn chứng, dự án Besi (Hà Lan) đầu tư nhà máy đóng gói chip, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư trong 4 tháng nhằm tạo điều kiện cho dự án sớm hoạt động thay vì dự kiến vào năm sau. Lãnh đạo SHTP nhìn nhận, thực tế chính sách thu hút đầu tư của các quốc gia ưu tiên hàng đầu là nâng cao năng lực công nghệ. Khi thu hút nhà đầu tư, họ quan tâm dự án giúp gì trong nâng cao năng lực công nghệ quốc gia đó, chứ không chỉ là thu bao nhiêu ngân sách trong ngắn hạn. Do vậy chính sách ưu đãi của họ rất cao và việc giải quyết thủ tục nhanh nhất. Có thủ tục giải quyết trong một buổi để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bà Phan Thị My, Quyền trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho rằng, cơ chế một cửa tại chỗ có thể giúp các khu công nghệ cao cạnh tranh với các nước khác về môi trường đầu tư. Bà kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục có các đề xuất Chính phủ phân cấp mạnh hơn nữa cho các khu công nghệ cao.

Theo điều 41, Nghị định 10 quy định về phân cấp, ủy quyền của các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh cho Ban quản lý khu công nghệ cao thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo sự ổn định, tạo điều kiện thực hiện cơ chế hành chính "một cửa tại chỗ" hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh trong khu công nghệ cao phù hợp năng lực, trình độ tổ chức của ban quản lý.

Nghị định 10 cũng có một số điểm mới như bổ sung quy định mở rộng khu công nghệ cao; bổ sung chính sách phát triển hạ tầng xã hội trong khu công nghệ cao nhằm thu hút nhân lực; thống nhất về mô hình, tổ chức bộ máy của ban quản lý các mô hình khu công nghệ cao (gồm khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung), ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế...

Hà An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020