Chuyên mục  


Ngày 22-12, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho biết gần đây ông nhận được nhiều thông tin của các giáo viên, cử tri về sự bất thường của đề thi môn sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Nếu thông tin trên là đúng thì điều đó hết sức nguy hại.

Cần công khai, minh bạch thông tin

Minh chứng về những tiêu cực thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, ông Lê Như Tiến khẳng định việc bài ôn tập và bài thi chính thức giống đến hơn 92% là điều rất bất thường. Nó làm tổn hại đến ngành giáo dục bởi học sinh đã biết hết nội dung thi trước khi thi thì làm sao đánh giá được chất lượng của học sinh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho hay đã nhận được thông tin tố cáo liên quan đến sự bất thường của đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia và trong những ngày cuối của kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV, bà đã chuyển tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn.

Các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Dù muốn dù không, Bộ GD-ĐT phải lên tiếng, theo đuổi việc này. Nếu thông tin các báo đưa lên là không đúng thì cần chấn chỉnh, thông tin lại để bảo vệ uy tín nhà giáo. Nhà giáo là người trong ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT phải lên tiếng. Còn nếu đúng thì phải bị xử lý theo quy định. Phải công khai, minh bạch thông tin, trả lời dư luận rõ ràng, như thế mới lấy lại được uy tín cho ngành, uy tín của nhà giáo. Bây giờ dư luận xôn xao như vậy mà Bộ GD-ĐT cứ im lặng thì dư luận không thể biết đâu là đúng, đâu là sai" - bà Nguyễn Thị Kim Thúy nói.

Đồng quan điểm, bà Phạm Minh Hiền, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV, cho rằng không sớm thì muộn, Bộ GD-ĐT cần phải đối diện với những câu hỏi thẳng và buộc phải trả lời thật trước dư luận xã hội về vấn đề nghiêm trọng này.

"Đây không hề là chuyện đơn giản, mức độ trùng hợp giữa đề thi và đề ôn tập trên 90% thì không thể bình thường được nữa, có thể xem ở mức tương đương với lộ, lọt đề thi. Phải làm rõ và trả lời trước công luận là điều phải đối mặt, không thể tránh né được. Giấy không thể gói được lửa!" - bà Phạm Minh Hiền nói.

Bà Hiền cũng cho hay rất nhiều giáo viên đã bày tỏ băn khoăn, bức xúc và nhiều lần gửi kiến nghị nhưng không nhận được câu trả lời. Việc xảy ra cách đây nhiều tháng mà Bộ GD-ĐT im lặng quá lâu. Vì thế cần xem xét nghiêm túc trách nhiệm quản lý của bộ, đã thực hiện đúng và nghiêm túc trách nhiệm của ngành trong vụ việc này hay chưa.

Tha thiết mong Bộ GD-ĐT làm trong sạch ngành

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho rằng nếu những gì báo chí nêu là đúng thì rất tiếc cho những học sinh nghèo học giỏi bị mất cơ hội vào trường đại học, mơ ước của các em mãi chỉ là ước mơ. Đây mới chỉ là môn sinh, dư luận có quyền đặt câu hỏi, còn các môn khác thì thế nào? Các môn toán, lý, hóa có bất thường không?

"Bộ GD-ĐT cần mở rộng thanh tra, kiểm tra để làm trong sạch ngành mình, tạo niềm tin cho nhân dân" - bà Thúy nói.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, thời gian qua, ngành giáo dục, đặc biệt ở hai lĩnh vực là sách giáo khoa và thi cử, có nhiều thông tin tiêu cực dẫn đến ảnh hưởng uy tín và tạo dư luận không tốt với ngành. Vì vậy, để lấy lại niềm tin và uy tín cho ngành giáo dục, không cách nào khác là làm trong sạch ngành.

"Tôi tha thiết mong Bộ GD-ĐT thanh tra, kiểm tra, đi đến kết luận đúng hay sai để trả lời công luận một cách công khai, minh bạch. Quản lý nhà nước là xuyên suốt, ai ngồi ghế tư lệnh ngành phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình chứ không thể coi đó là việc của nhiệm kỳ trước được. Giả dụ việc này diễn ra từ nhiệm kỳ trước nhưng hậu quả ở nhiệm kỳ này thì ta vẫn phải soi lại lỗ hổng ở chỗ nào. Nếu nó là lỗ hổng của cơ chế, quy định thì ta phải bằng cơ chế, quy định để bịt lại. Còn nếu lỗ hổng do con người thực hiện thì ta phải xử lý con người đó. Thứ nhất là họ phải chịu trách nhiệm về những hành vi mà họ gây ra. Thứ hai để răn đe làm gương cho những ai "tiềm ẩn" hành vi đó. Thứ ba là củng cố niềm tin của nhân dân đối với ngành giáo dục nước nhà" - bà Thúy nói.

Trong khi đó, ông Lê Như Tiến đề nghị các ngành, cơ quan thanh tra Chính phủ, cơ quan điều tra của Bộ Công an vào cuộc sớm, có kết luận sớm để dư luận yên lòng.

"Nếu chúng ta không làm nghiêm lần này sẽ còn có những lần khác, rồi lại có những bất thường. Như vậy thì làm sao có chất lượng thực của một nền giáo dục. Nếu có sai phạm, theo tôi phải xử lý thật nghiêm giữa người cung cấp nội dung đề thi với người luyện thi" - ông Tiến nói.

Trước sự im lặng nhiều tháng của Bộ GD-ĐT từ khi các chuyên gia chỉ ra các bất thường, ông Lê Như Tiến cho rằng chỉ có một cách, đó là Bộ GD-ĐT nên nhìn thẳng vào sự thật, công bố đúng sự thật để cử tri, người dân, dư luận xã hội biết được sự thật là như thế nào. Thà rằng Bộ GD-ĐT lấy lại uy tín của mình bằng cách cho thanh tra, kiểm tra, nếu thật sự có tiêu cực thì xử lý nghiêm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực - đã nói vì mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật vài người để cứu muôn người. Do đó, cần có thái độ dứt khoát như thế.

"Về cơ bản, các ngành phần lớn đều tốt nhưng cũng có chỗ có mặt trái, khi có mặt trái thì phải nhìn thẳng vào sự thật và kiên quyết xử lý, sửa chữa. Đó là giải pháp tốt nhất để xã hội cất cánh, ngành giáo dục tỏa sáng. Nếu chôn vùi sự thật thì mãi mãi là món nợ với dư luận và nhân dân" - ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Bà Phạm Minh Hiền bày tỏ mong muốn Chính phủ kịp thời chỉ đạo sâu sát và yêu cầu Bộ GĐ-ĐT có báo cáo giải trình cụ thể về chuyên môn như việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, việc quản lý ngân hàng đề thi như thế nào; quy trình ra đề thi có tính đến yếu tố con người hay không; có xây dựng quy chế bảo mật khi xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm hay không…

"Trước hết cần phải trả lời công khai, minh bạch cho giáo viên trong ngành được biết sự thật. Bởi lẽ đội ngũ giáo viên có quyền biết sự thật trong câu chuyện thi cử, những ý kiến, kiến nghị của họ cần phải được ghi nhận và tôn trọng" - bà Phạm Minh Hiền nói. 

Thầy giáo Phan Khắc Nghệ mong có sự tường minh

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 22-12, thầy giáo Phan Khắc Nghệ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, người có bài ôn tập cho học sinh giống đến 92% so với đề thi tốt nghiệp THPT 2021 - cho biết ngay trong tháng 7, khi có thông tin nghi vấn liên quan đến đề thi sinh học, Công an Hà Tĩnh đã đến làm việc với ông.

"Họ đã lấy thông tin cá nhân, các bài giảng, email, Facebook, các tài khoản… của tôi" - thầy giáo Phan Khắc Nghệ cho hay.

Khi được hỏi về mối quan hệ với bà Phạm Thị My (tổ trưởng tổ ra đề) và ông Bùi Văn Sâm (thành viên tổ thẩm định), thầy giáo Phan Khắc Nghệ không giải thích thêm về mối quan hệ và nhấn mạnh trong bối cảnh này, rất mong muốn có sự tường minh.

"Ngay cả những việc báo viết cũng cần nên làm rõ thêm vì báo nói trao đổi thì phải làm rõ là trao đổi cái gì. Trao đổi về đời tư hay chuyên môn. Nếu là trao đổi về chuyên môn thì là chuyên môn gì. Với những gì báo viết hiện nay thì người đọc có thể hiểu thế nào là theo tùy cách của từng người đọc" - thầy giáo Phan Khắc Nghệ nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-12

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020