Nhà đầu tư cá nhân gồng gánh thị trường, giá trị nắm giữ gần bằng khối ngoại
Đầu tháng 12, khối ngoại tiếp tục đẩy bán ròng, phiên 1/12 nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 1.120 tỷ, phiên ngày 2/12 là 730 tỷ. Chuỗi bán ròng từ đầu năm trở lại đây vẫn chưa dừng lại, tổng bán ròng đã gần 60.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, mức độ bán ròng ngày càng dữ dội hơn, đặc biệt ở các cổ phiếu lớn. Có những phiên khối ngoại bán ròng kỷ lục lên tới 2.000 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng dữ dội từ đầu năm đến nay.
Theo một số liệu thống kê của chúng tôi, các nhà đầu tư tổ chức trong nước, khối tự doanh đã bán ròng hơn 19.300 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.
Nhà đầu tư cá nhân trong đó có đông đảo binh đoàn nhỏ lẻ tiếp tục là bên mua ròng duy nhất của thị trường khi mua vào 1.543 tỷ đồng vào phiên 2/12 nâng giá trị mua ròng từ đầu năm tới nay lên hơn 105.000 tỷ đồng.
Theo số liệu từ các công ty chứng khoán, mặc dù thanh khoản của thị trường đã tăng lên mức trung bình hơn 30.000 tỷ đồng/phiên nhưng nhà đầu tư nội chiếm phần lớn. Nếu như trước đây, quy mô giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20% giá trị giao dịch/phiên thì hiện tại chỉ 7%, trong khi quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán đã tăng lên hơn 122% GDP. Dù khối ngoại bán ra liên tục trên thị trường chứng khoán, nhưng theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn đạt khoảng 50 tỷ USD.
Việc bán ròng của khối ngoại liên tiếp và của khối tự doanh, tổ chức công ty chứng khoán có thể đến từ việc bùng nổ nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, dòng tiền nóng đổ vào khiến nhiều cổ phiếu tăng bằng lần và họ chốt lời. Thứ hai, giấc mơ thị trường nâng hạng từ cận biên sang mới nổi hàng chục năm qua vẫn không trở thành hiện thực, trong khi hiện tại hệ thống giao dịch vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chí để nâng hạng. Rõ ràng thị trường cận biên kém thu hút vốn ngoại so với thị trường mới nổi. Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital cho rằng, Khi vào thị trường Emerging Markets thì sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng ít nhất 100 lần so với quy mô hiện nay.
Thêm nữa, giữa bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới có nhiều bất ổn, nguy cơ lạm phát, đại địch vẫn tiếp diễn do đó nhà đầu tư ngoại có xu hướng rút tiền, đặc biệt khi chứng khoán đã có định giá không còn rẻ trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, vấn đề là các nhà đầu tư ngoại, tự doanh và khối nhà đầu tư tổ chức trong nước sau khi bán ròng họ đã đem tiền đi đâu để đầu tư.
Khối ngoại, tự doanh công ty chứng khoán đem tiền đi đâu?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hồi cuối tháng 10 có lý giải hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục là hiện thực hóa khoản lợi nhuận trong danh mục đầu tư đã thực hiện giải ngân vào năm 2019 và 2020, sau khi thị giá cổ phiếu đã tăng cao để chờ đợi các cơ hội đầu tư mới.
Nhà đầu tư nước ngoài rút ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng có xu hướng mua trái phiếu và giữ lại tiền mặt đề chờ đầu tư tiếp. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trong tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tương đối ổn định ở mức cao từ đầu năm đến nay.
Dù nhà đầu tư nước ngoài có rút vốn ra khỏi Việt Nam, nhưng giá trị rút vốn lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay chỉ chiếm 0,8% tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài và thấp hơn giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài phần nào để tái cơ cấu danh mục, không phải hoàn toàn để rút vốn.
Thực tế, ngoài kênh trái phiếu và tiền mặt chờ cơ hội tốt hơn, khẩu vị của vốn ngoại là các startup của Việt Nam, và các doanh nghiệp chưa lên sàn. Do đó, mặc dù bán ròng trên sàn nhưng dòng vốn đầu tư đổ vào doanh nghiệp Việt vẫn tăng mạnh bất chấp đại dịch.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài - FDI) đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.466 lượt với tổng giá trị góp vốn 4,38 tỷ USD.
Thực tế, nhiều quỹ đầu tư rút vốn trên sàn nhưng lại có xu hướng rót vốn vào các doanh nghiệp ngoài sàn. Chẳng hạn,, Mekong Capiatal đã rót 10,2 triệu USD vào Công ty Rever. Rever vận hành theo mô hình Online-to-Offline, ứng dụng nền tảng công nghệ, kết hợp cùng đội ngũ môi giới chuyên nghiệp để phục vụ mọi khách hàng có nhu cầu về bất động sản. Trước Rever, Quỹ này cũng rót 250 triệu USD vào Chocolate Marou.
Mới đây, VinaCapital Ventures - quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên về các startup công nghệ- công bố việc đầu tư vào GlobalCare. Công ty Quản lý quỹ đầu tư KKR (Mỹ) cũng đầu tư 100 triệu USD vào Tập đoàn Giáo dục EQuest. Quỹ đầu tư eWTP đã đầu tư vào Homefarm và Ficus - công ty đứng sau The Coffee House, Giao Hàng Nhanh…
Thương vụ PE lớn nhất trên thị trường Việt Nam chính là khoản đầu tư 400 triệu USD của Baring Private Equity Asia - một trong những công ty PE lớn nhất ở châu Á, và gã khổng lồ Trung Quốc Alibaba vào Tập đoàn Masan - một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.
BDA Capital Partners, quỹ đầu tư tư nhân của công ty tư vấn BDA Partners, đã "bơm vốn" vào phòng khám nhi khoa Nhi Đồng 315 tại Việt Nam mới đây. Hay như quỹ đầu tư ABC World Asia tham gia rót vốn 24 triệu USD ở vòng Series B cho Kim Dental - Tập Đoàn Nha khoa Kim chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng Việt Nam…
Khẩu vị của dòng vốn ngoại là các lĩnh vực phát triển bền vững, rất nhiều thương vụ rót vốn vào các startup, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục, năng lượng, chăm sóc sức khoẻ, công nghệ… Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đa phần chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, hiện trên sàn các cổ phiếu tài chính, chứng khoán, bất động sản vẫn chi phối VN-Index với vốn hoá lớn. Doanh nghiệp giáo dục, y tế, năng lượng xanh, công nghệ…hầu như rất ít.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank King Eng cũng cho rằng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục có thể là bởi vì những ngành kinh tế phát triển bền vững như y tế, giáo dục, sáng tạo là rất hiếm trên sàn chứng khoán. Ở Việt Nam, riêng ngành bất động sản chiếm tới một nửa doanh nghiệp trên thị trường rồi. Thị trường được chi phối nhiều bởi các doanh nghiệp ngân hàng, chứng khoán, đất đai,…yếu tố đầu cơ rất là lớn. Điều này có thể gây ra sự thiếu bền vững trong thị trường. Trong khi đó, những doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp rất ít nhưng lại là "hot trend" và là khẩu vị yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư tổ chức, tự doanh sau khi bán ròng đầu tư một phần vào trái phiếu doanh nghiệp
Về phía các nhà đầu tư tổ chức, tự doanh sau khi bán ròng họ đã dùng dòng tiền này bổ sung vào nguồn vốn cho vay margin và mua trái phiếu.
Theo thống kê từ FiinGroup, quy mô giá trị phát hành sơ cấp trong 9 tháng 2021 đạt 430 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Đối tượng mua là các công ty chứng khoán tăng vọt, chiếm 36,3% thị phần - tăng mạnh so với mức 1,5% của cùng kỳ năm 2020.
"Sự tham gia của các công ty chứng khoán gia tăng tỷ trọng rất lớn trên thị trường sơ cấp tăng mạnh trong 9 tháng năm 2021. Do việc thắt chặt đối tương mua từ phát hành riêng lẻ, các công ty chứng khoán chính là tư vấn phát hành, bảo lãnh phát hành và đầu tư một phần các đợt phát hành trái phiếu nhằm đảm bảo sự thành công của các đợt phát hành cho doanh nghiệp mà họ tư vấn", báo cáo nêu.
Bên cạnh đó các nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng chiếm tới 56,3% đối tượng mua trái phiếu. Trong khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 1,3% thị phần mua trái phiếu sơ cấp.
Bạch Huệ
Theo Nhịp sống kinh tế