AI hiện đã được sử dụng rộng rãi trong các công việc hàng ngày như truy xuất thông tin, tạo nội dung (văn bản, hình ảnh, video) và hỗ trợ ra quyết định. Theo The Forrester, năng suất lao động và khả năng giải quyết vấn đề của tổ chức sẽ tăng 50% nhờ các sáng kiến phát triển phần mềm AI.
Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của Gartner dự đoán chi tiêu cho dịch vụ CNTT trong năm 2024 sẽ trở thành lĩnh vực chi tiêu lớn nhất trong ngành CNTT, đạt 1.501 tỷ USD, chiếm 30,5% tổng chi tiêu CNTT toàn cầu. Sự tăng trưởng này đến từ nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án chuyển đổi số và nâng cao hiệu suất kinh doanh.
Nhận định nhu cầu lớn về AI và dịch vụ CNTT trên toàn cầu ngày càng gia tăng, Chứng khoán MB (MBS) trong báo cáo mới đây đánh giá điều này sẽ hỗ trợ lợi nhuận của Tập đoàn FPT (mã: FPT) trong năm 2024.
Cơ hội tiếp cận trực tiếp với các Tập đoàn toàn cầu Volvo, Ericsson
Tháng 8/2024, FPT đã khai trương văn phòng đầu tiên tại Stockholm, Thụy Điển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chuyển đổi số và CNTT trong các ngành như y tế, ô tô và tài chính.
Nằm trong Công viên Khoa học Lindholmen, nơi có hơn 375 công ty hàng đầu, MBS cho rằng FPT có cơ hội tiếp cận trực tiếp các tập đoàn toàn cầu như Volvo, Ericsson và IBM . Sự mở rộng chiến lược này sẽ nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ và tư vấn của FPT cho các tập đoàn lớn ở Bắc Âu và châu Âu.
Theo Statista Market Insight, doanh thu thị trường dịch vụ CNTT Thụy Điển dự kiến đạt 15,23 tỷ USD vào năm 2024, với CAGR 5,94% trong giai đoạn 2024- 2029. Trong đó, dịch vụ gia công CNTT chiếm phần lớn với giá trị thị trường dự kiến là 8,86 tỷ USD vào năm 2029. MBS dự báo doanh thu của FPT tại EU đạt 5.189 tỷ đồng (+68% so với cùng kỳ), chiếm 13% tổng doanh thu công nghệ của FPT vào năm 2025.
Tại mảng viễn thông, theo nhóm phân tích MBS, doanh thu viễn thông FPT dự báo sẽ tăng 9,5% vào năm 2025, nhờ mở rộng các Trung tâm Dữ liệu và sự phục hồi trong quảng cáo trực tuyến khi các doanh nghiệp khôi phục ngân sách marketing.
Mảng Trung tâm Dữ liệu dự kiến phát triển mạnh do nhu cầu gia tăng về dịch vụ điện toán đám mây. FPT mở rộng mạng lưới Trung tâm Dữ liệu bằng cách khai trương cơ sở mới tại TP. HCM, dự kiến hoàn thành vào quý 1/2025, với 476 giá đỡ bổ sung vào công suất hiện tại (+13%).
Do đó, MBS dự báo DT từ trung tâm dữ liệu sẽ tăng mạnh 30%/60%/40% so với cùng kỳ trong năm 2024/25/26. Trong khi CAGR của mảng viễn thông dự kiến sẽ đạt 12% trong giai đoạn 2024-26.
Nhà máy AI tại Nhật Bản có thể đóng góp vào doanh thu của FPT vào năm 2025
Mặt khác, FPT dự kiến xây dựng một nhà máy AI để cung cấp GPU cho thị trường Nhật Bản. Theo FPT, thị trường AI Nhật Bản đang tăng trưởng nhanh chóng, với nhu cầu ngày càng cao về công nghệ AI trong nhiều ngành nghề.
Từ năm 2024 trở đi, thị trường AI tại Nhật Bản dự kiến sẽ phát triển mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực như thành phố thông minh, y tế, sản xuất và tài chính.
FPT sẽ thuê một trung tâm dữ liệu để triển khai dịch vụ AI tại Nhật Bản thay vì xây mới. Đội ngũ phân tích MBS kỳ vọng nhà máy AI tại Nhật Bản sẽ đi vào hoạt động vào quý 1/2025.
Tại mảng giáo dục, MBS dự báo doanh thu giáo dục đạt CAGR 31,2% trong giai đoạn 2024-26 nhờ sự gia tăng số lượng sinh viên, dự kiến sẽ đạt 191.000/248.000/316.000 sinh viên trong các năm 2024/25/26.
Tựu chung lại, cho cả năm 2024, MBS dự phóng doanh thu thuần của FPT ghi nhận hơn 63.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 9.772 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 22,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự phóng cho năm 2025-2026 lần lượt đạt 11.834/14.365 tỷ đồng, tương ứng tốc độ tăng trưởng 21% hàng năm.
Cổ phiếu "thăng hoa"
Trước nhiều động lực “sáng cửa” trong tương lai, cổ phiếu FPT không làm nhà đầu tư thất vọng khi liên tiếp ghi nhận nhiều cột mốc đáng nhớ trên sàn chứng khoán.
Mới đây nhất, cổ phiếu FPT đóng cửa phiên 10/10 tăng gần 4% lên trên 140.000 đồng/cp với giao dịch rất sôi động, đánh dấu mức đỉnh lịch sử mới. Đây là mức thị giá (đã điều chỉnh) cao nhất mà FPT từng chạm đến trong lịch sử 18 năm niêm yết. Từ đầu năm đến nay, FPT đã có 35 lần vượt đỉnh, một con số vô tiền khoáng hậu.
Kết phiên 11/10, dù thị giá FPT giảm nhẹ về 139.600 đồng/cp, song vẫn cao hơn gần 70% hồi đầu năm. Vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam cũng theo đó tăng lên gần 204.000 tỷ đồng (~8,2 tỷ USD). Con số này đưa FPT trở thành công ty tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán, chỉ sau 3 tên tuổi do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV và ACV.